Thông báo về cơ quan nếu hút thuốc lá điện tử
Bộ Y tế đề xuất phạt tiền đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, đồng thời gửi thông báo xử phạt tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Việc lấy ý kiến này sẽ kết thúc vào ngày 3/3/2025.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định trên.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, cơ quan này đề xuất buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Theo Bộ Y tế, kết quả điều tra trong những năm qua về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi, giới tính cho thấy, tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng và tăng rất nhanh chóng.
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó, tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 với tỉ lệ 7,3%, sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%).
Năm 2023, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng lên 8,1% (trong khi 4 năm trước đó là 2,6%). Tỷ lệ này ở ở nhóm 13 - 15 tuổi là 8%. Ở nữ giới, tuổi 11 - 18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại Nghị quyết, có nội dung "Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025".
Bộ Y tế cho biết, hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt. Tuy nhiên, chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi "chứa chấp" và "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Vì vậy, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.