Thơm ngọt bánh ngào ngày Tết
Bánh ngào là một món ăn quen thuộc của xứ Nghệ. Vị ngọt của mật mía, mùi thơm của gừng, cái dẻo thơm của nếp rất hợp để thưởng thức vào ngày Tết se lạnh.
Cha tôi thường dặn, Tết đến, những người đã khuất cũng về sum họp cùng gia đình. Vậy nên con cháu luôn phải làm cơm cúng nóng hổi mỗi ngày ba bữa, hương không được tàn cho đến ngày tiễn ông bà ông vải.
Tôi nghĩ cha mẹ tôi hẳn rất mệt với việc thờ cúng, nhưng nhìn nét mặt rạng ngời của cha mẹ mỗi lúc đứng trước ban thờ, tôi biết mình đã sai. Có lẽ, mùi hương bảng lảng cho tất cả chúng tôi, dù già hay trẻ đều có được cảm giác ấm áp, hạnh phúc khi thấy mình có nơi chốn để thuộc về.
Những buổi tối Giao thừa, tôi rất thích vào bếp cùng mẹ và chị. Căn bếp nhỏ đỏ lửa suốt đêm, thoang thoảng mùi hương ngọt bùi từ những món bánh, loại hạt. Chị em chúng tôi từ khi là những cô bé mới học cấp một, cấp hai, đã háo hức được mẹ truyền cho bí quyết rang các loại hạt như hạt dẻ, hạt hướng dương, hạt bí để tiếp khách.
Vừa làm, mẹ vừa dặn: “Làm việc gì cũng cần bĩnh tĩnh như khi rang hạt. Để lửa nhỏ và đảo đều tay, chậm một chút nhưng hạt chín đều và thơm hơn.”
Tùy từng năm mà làm những món tiếp khách riêng, nhưng mẹ luôn rèn cho chúng tôi thêm kiên nhẫn khi sên mứt gừng, mứt dừa, mứt cà rốt hay nặn bánh cà... Nhiều lần chúng tôi làm hỏng, hoặc viên to, viên nhỏ lộn xộn, mẹ đều bảo không sao. Mẹ nói: “Mình tiếp khách, quan trọng nhất vẫn là niềm nở. Mọi người biết là món do các con tự làm thì chắc chắn rất vui!”
Mẹ ngước nhìn đồng hồ, ước chừng đến khoảng mười giờ đêm là bắt đầu lấy nguyên liệu để làm món bánh rất đặc biệt: Bánh ngào. Món bánh đơn giản nhưng thật khó quên khi cảm nhận sự mềm mịn của bột nếp, vị ngọt đậm của mật mía và hương thơm của gừng... Chẳng thế mà mỗi khi nhìn vào bức tranh ẩm thực ngày Tết xứ Nghệ, tôi vẫn luôn yêu thích và tự hào nhất về món bánh ngào.
Bánh ngào, hay bánh mật, là đặc sản thơm ngon của Nghệ An. Cái tên "bánh ngào" có lẽ xuất phát từ cách làm bánh: người ta phủ mật mía lên bánh, tạo màu vàng óng ngọt ngào. Cũng có lẽ chữ "ngào" bắt nguồn từ hương thơm ngào ngạt của gừng làm ấm lòng người miền Trung những ngày se lạnh. Những chiếc bánh ngào hình kén hoặc hình bầu dục, không nhân, ngọt đậm, dai dai, thơm mùi nếp, mùi gừng.
Tôi nhận ra, dù ngày thường hay ngày Tết, căn bếp vẫn luôn là nơi bận rộn nhất nhà, là trái tim giữ nhịp đập cho cơ thể gia đình. Học cách nấu những món ăn cũng là học những bài học về cuộc đời. Cùng nhau vào bếp, người lớn sẽ dạy cho trẻ con đạo lý uống nước nhớ nguồn, bài học làm người, đối nhân xử thế, còn nụ cười của trẻ con sẽ dẫn người lớn đến sự bao dung, kiên nhẫn và hồn nhiên.