'Thời', 'thế' của doanh nhân

Từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã định vị lại và hết sức coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước nhà, cũng như doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp; nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng ngày càng tạo ra sự thông thoáng hơn về môi trường đầu tư. "Doanh nhân thành công, doanh nghiệp phát triển cũng chính là thành công của Việt Nam" - các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định như vậy và luôn có hành động cụ thể để lời khẳng định ấy được thực thi trong thực tiễn.

Nhờ vậy, nền kinh tế nước ta luôn ở tốp có tốc độ phát triển cao trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tầm cỡ khu vực và thế giới. Môi trường đầu tư của Việt Nam được doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá rất cao. Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng lớn.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam ngày 11-10-2024. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam ngày 11-10-2024. Ảnh: TTXVN

Với nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành và các địa phương để cải thiện môi trường cạnh tranh, thu hút đầu tư, có thể nói doanh nhân Việt Nam đang ở thời kỳ vàng son để tỏa sáng, khẳng định mình, làm giàu cho bản thân và xã hội.

Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn còn nơi này, lúc khác có những cán bộ, công chức, viên chức tìm cách lồng ghép yêu sách mỗi khi giải quyết công việc liên quan tới doanh nhân, doanh nghiệp để đạt được các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đứng trước thực tế đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn tận dụng mọi kênh thông tin để lắng nghe phản ánh của doanh nhân, doanh nghiệp. Trong các cuộc làm việc với bộ, ngành, địa phương và trong các văn bản chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh yêu cầu lắng nghe tiếng nói của doanh nhân, doanh nghiệp để giải quyết mọi vấn đề đặt ra một cách nhanh chóng, triệt để hơn.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ luôn xử lý nghiêm mọi cán bộ, công chức, viên chức thực hiện không đúng chức trách; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nhân, doanh nghiệp để trục lợi bất hợp pháp, trên tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Ở chiều ngược lại, doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật; sẵn sàng phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người thuộc doanh nghiệp mình. Nếu tất cả cùng thượng tôn pháp luật sẽ không còn chỗ cho những yêu sách vô lý, bất hợp pháp tồn tại, gây khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nhân. Khi ấy, doanh nhân, doanh nghiệp không những có "thời" mà còn càng có "thế" mạnh hơn để phát triển.

"Thời" của doanh nhân, doanh nghiệp đã đến. Còn "thế" mạnh đến đâu thì phải phụ thuộc phần nhiều vào bản lĩnh, năng lực của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp...

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thoi-the-cua-doanh-nhan-798533
Zalo