Thời sự kiểu Nguyễn Khải!
Một thời, có những tác phẩm văn học thế sự sâu sắc mang tính triết học về con người và xã hội, tính chiến đấu cao, rất thời sự - đặt được vấn đề hữu ích và đi thẳng vào tim óc người đọc - thì vẫn đang là điều trông đợi ở nhà văn Nguyễn Khải.
Trong cuộc kháng chiến giành độc lập và công cuộc xây dựng của dân tộc, có nhiều nhà văn mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử văn học. Một trong số đó có Nguyễn Khải - người hay đặt vấn đề thời cuộc mình sống, gợi ra nhiều suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, thúc đẩy con người hiểu biết hành động điều tốt đẹp.
1. Năm 2007, tôi ngỏ ý muốn viết một cuốn sách chân dung về Nguyễn Khải với khá nhiều lo lắng vì tầm cỡ lớn của nhân vật. Nhưng rất may thư ông trả lời đầy nâng đỡ: "Tự viết về mình dầu hay mấy cũng không hoàn toàn khách quan. Nếu được một bạn trong nghề do thương mình muốn viết thì sự đánh giá ấy mới toàn diện và chính xác.
Tôi đề nghị với Ngọc Hải, những cuộc trò chuyện sắp tới sẽ là cuộc đối thoại dài ngày giữa hai nhà văn về nghề nghiệp và mọi sự ở đời có quan hệ xa gần với cái nghề cầm bút của bọn mình. Có thể cả tranh luận mà không có lời kết.
Ý tứ là như thế. Có thể hai chúng ta sẽ có được một cuốn sách hay, tất nhiên điều quan trọng là cái nội lực của mình là dày hay mỏng thôi. Lúc nào tôi cũng rảnh. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể tiếp được bạn…" (Thư đề ngày 27/8/2007).
Được Nguyễn Khải đồng ý là may mắn lớn. Tôi bắt đầu ngay những ngày đầu tiên tiến hành làm việc tại nhà ông ở với con trai bên Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng rồi sự may mắn không kéo dài bao lâu. Ông kiểm tra tim mạch và nhập viện Thống Nhất. Tôi cầm sổ và ghi âm lập cập chạy theo ông vào bệnh viện.
Tôi thường đến sớm. Có khi đang ăn sáng, tiếp tôi là ông không chịu ăn nữa. "Kệ nó, tôi 33 Cách đi thực tế của ông: "Tự đi vào cuộc sống, mình có cái tỉnh táo độc lập của mình. Viết cái "Tầm nhìn xa " cũng thế, tôi không bao giờ qua các cấp Tỉnh, Huyện như quy định thông thường. Mình đi thẳng vào cuộc sống thật. "Xung đột" hay "Mùa lạc" cũng vậy, không bao giờ lên hỏi nhận định của cấp trên. "Cứ qua các ông, mỗi ông nhét thêm một ý… thì đâm ra mình bị trói buộc. Tôi cứ xuống dưới, cái cuộc sống thật như thế nào thì mình viết như thế. Viết "Xung đột" cái là thắng ngay. Mình tìm thấy cái vỉa của mình. Đó là thay đổi".
Đó là sự thay đổi lần thứ nhất của anh. Còn lần thứ hai thì thế nào? Ông kể rất nhiều về việc viết "cuộc gặp gỡ cuối năm" và vở kịch "Cách mạng". Bao nhiêu chuyện đời của những tầng lớp khác nhau khi đất nước thống nhất, hết chiến tranh, rất nhiều niềm tin, nhiều nghề nghiệp và hướng đi trong một xã hội dân sự: "Anh không thể co lại trong lối viết cũ của anh được nữa". Đây là thời kỳ viết về "những chuyện lớn ghê gớm".
Còn lần thay đổi thứ ba là gì? Nguyễn Khải bảo không có ý thức cố ý "đếm các lần thay đổi mà là quá trình tự nhiên". "Lại thay đổi là viết về cái bình thường, trước kia mình toàn viết về những cái hơi to lớn".
Ông bảo rằng viết cuộc sống thường này đề tài có rất nhiều. "Đi một tý là viết được ngay". Ông cười vui gọi tôi bằng… bà: "Bây giờ nếu gọi là kết thúc thì tôi đưa cho bà, nó thành ra một tập bút ký chính trị - thứ mà tôi muốn để lại sau khi chết thôi -viết cái này nữa là xong rồi".
Nguyễn Khải vẫn khao khát đi. "Đi là nó đụng vào, tóe ra" và thường tìm mẫu người quen thuộc với vùng nghĩ, vùng cảm của mình về con người và thời cuộc.
Trong bài phỏng vấn cuối cùng ấy, tôi hỏi: "Nguyễn Khải là nhà văn của thời sự, của tâm lý nhân vật, ông đã tạo dựng được nhân vật của nhiều thời khắc. Nếu bây giờ còn sức khỏe để viết, ông sẽ chọn những loại kiểu nhân vật nào của ngày hôm nay?".
Nguyễn Khải trả lời: "Tôi thích những người quyền lực về tinh thần, chiến đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội. Loại người có thế giới tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi. Ở trạng thái này, con người sẽ phong phú. Tôi thích viết những cái chênh vênh lạc thời. Con người của hôm nay đa dạng lắm. "Xuân tóc đỏ" cũng nhiều lắm. Sợ nhất cái giả dối… Có những anh vai mỏng gánh trách nhiệm quá lớn, không biết sợ, cứ thấy ổn cả. Hạ cánh an toàn - là câu mất dạy. Phải nhớ Khang Hy: "Việc vừa xong thì họa cũng vừa xong" (ý muốn nói quyền lực luôn đi đôi với tai họa)…
Hỏi ông thấy cần viết thời sự gì lúc đó? Nguyễn Khải trả lời: "Cũng khó nói. Nhưng nếu có nói thì đó là vấn đề dân chủ. Một đất nước, anh quản lý bằng pháp luật, tức là xây dựng xã hội công dân là điều quan trọng nhất. Cố gắng tôn trọng quyền công dân. Càng ngày tôi càng thấy không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng, miễn là nó không làm hỗn loạn cái chung đã được hiến pháp và pháp luật quy định. Còn anh đừng làm người ta sinh ra dối trá".
Nguyễn Khải còn muốn đi nhiều, ra Bắc, đi vùng sông Hồng. Miền Nam muốn đi Tháp Mười …". Bởi ở đó có những tay trẻ, nhiều suy nghĩ mới… Nếu tôi muốn viết sẽ dựa vào nguyên mẫu đó. Chứ mình bịa sao được, làm sao mình có thì giờ mà bịa?’’.
2. Thấm thoát Nguyễn Khải mất sắp 15 năm. "Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình" và đã có bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên đất nước này. Nguyễn Khải không được sống qua những giây phút nhiều bất ổn của nhân loại như ta đang trải. (Mà cũng không biết thời ông ấy hay thời bây giờ - lúc nào gian khó hơn).
Ngày tôi được gặp ấy, ông hay phân tích thời sự các cuộc tranh đấu giữa hai phe của thế giới để thấu hiểu bối cảnh phức tạp mà con người sống cho cuộc bảo vệ đất nước Việt Nam trước các cuộc xâm lược. Ông phân tích xã hội và con người Việt Nam thật sâu sắc.
Thời cuộc ngày nay khó không kém - như xung đột đang diễn ra tới 2 cuộc một lúc ở Ukraina và Gaza, hàng ngàn người dân cầm cờ trắng chạy bộ thoát khỏi quê nhà - nơi mà ngài đại diện Liên Hợp Quốc miêu tả Gaza là nghĩa địa chôn trẻ em.
Ở Việt Nam, tất cả dồn sức, người dân đi cứu trợ đông như ngày dân công đi hỏa tuyến cho Điện Biên Phủ. Bao nhiêu chuyện dũng cảm và nhân ái của xã hội trong chống dịch. Và sau đại dịch, là cả vụ án lớn chưa từng thấy về số đông người phạm tội và cung cách phạm tội chưa bao giờ thấy trong lịch sử.
Thời mạng xã hội - người ta lan truyền trăm người ngàn ý về nhiều hiện tượng xã hội cần lý giải. Việc mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng.
Vì sao con người đến vậy? Câu hỏi mới chỉ được trả lời về chi tiết sự kiện, xét xử thế nào, bài học ra sao… Các nhà văn cố gắng viết các ký sự nóng, truyện ngắn… phản ánh nhanh những gương tốt của con người và xã hội mới để cổ vũ. Những cuốn sách mà thị trường tiêu thụ khó khăn. Những cuộc ra mắt sách liên miên mà báo chí cũng dành cho rất ít dòng giới thiệu.
Còn những tác phẩm văn học mang tính "thời sự kiểu Nguyễn Khải" làm thiên chức của văn học, sâu sắc mang tính triết học về con người và xã hội, tính chiến đấu cao, rất thời sự - đặt được vấn đề hữu ích - đi thẳng vào tim óc người đọc - thì vẫn đang là điều trông đợi .
Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành lần thứ nhất - Nơi tôn vinh những cống hiến các nhà văn lão thành cho nền văn học Việt Nam vừa được diễn ra ở Hải Phòng cuối tháng 9/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới dự và có bài phát biểu quan trọng ghi nhận thành tựu và công sức nền văn học. Chủ tịch nước đã nêu lên sự trông đợi các nhà văn tiếp tục làm sâu sắc: "Tiếng nói tình yêu thương con người, trung thực, quả cảm, vẻ đẹp nhân tính, chiến thắng những thấp hèn… xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền, hòa hợp dân tộc, khẳng định những giá trị truyền thống và mở ra vẻ đẹp tâm hồn người Việt …".
Nhiều nhà văn già lại một dịp nhắc nhớ tới Nguyễn Khải - nhà văn tài ba và sâu sắc các chuyện thế sự. Nếu bây giờ còn, không biết ông sẽ viết gì?