Thói quen đọc sách phải được tạo dựng từ trường học
Việc triển khai giờ đọc sách trong trường học vừa là việc cần thiết, có cơ sở pháp lý, vừa phù hợp xu hướng giáo dục tiến bộ trên thế giới.
Hội nghị tổng kết Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 diễn ra sáng 28/12 tại Hà Nội. Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - gửi bản tham luận đề xuất phương án phát triển văn hóa đọc.
Văn hóa đọc phát triển nhưng chưa chuyển biến mạnh mẽ
Xuất phát từ tầm quan trọng của sách với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cả đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương quan trọng liên quan hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa đọc.
Chúng ta có thể kể đến chỉ thị 42 ngày 15/8/2004 của Ban bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản"; quyết định số 284 của Thủ tướng chọn ngày 21/4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam; quyết định 329 ngày 15/3/2017 của Thủ tướng về phê duyệt đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; luật về thư viện ra đời năm 2020; điều 30 về Phát triển văn hóa đọc, chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa các điều khoản mới về phát triển văn hóa đọc vào Điều lệ trường học các cấp.
Các chủ trương, chính sách của Đảng đã tác động tích cực đến sự phát triển của ngành xuất bản và văn hóa đọc của cộng đồng trong những năm qua. Nhiều hoạt động hội sách, đường sách, các tổ chức thiện nguyện khuyến đọc như Room To Read, Sách hay dành cho học sinh tiểu học, các thư viện cộng đồng, tủ sách thôn, tủ sách gia đình... mở ra trên nhiều tỉnh thành.
Đặc biệt, khu vực trường học có các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Lớn lên cùng sách, Xe sách lưu động… thu hút cả triệu học sinh tham gia.
Số liệu thống kê của ngành xuất bản cho thấy trong 5 năm qua số đầu sách, số bản sách và doanh thu của thị trường sách liên tục tăng, cho thấy các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các cơ quan chức năng và toàn ngành xuất bản đã có tác động nhất định đối với sự phát triển văn hóa đọc
Tuy nhiên, như nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ trao Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ ba, khi nhìn vào thực tế, thói quen đọc sách của công chúng còn mờ nhạt, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa đọc trên bình diện quốc gia. Mặc dù có cố gắng, mỗi người Việt Nam chỉ có 1,4 bản sách/đầu người/năm và chỉ bằng 1/3 nước trong khu vực.
Tại sao văn hóa đọc của chúng ta thấp nghư vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chủ yếu chính là người Việt Nam chưa có thói quen đọc sách. Đó là thói quen phải được tạo dựng từ khi còn bé, khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tạo dựng thói quen đọc cho học sinh
Văn hóa đọc được tạo nên bởi ba thành tố: Thói quen đọc sách, sở thích đọc, kỹ năng đọc, trong đó thói quen đọc là thành tố cơ bản nhất.
Về thói quen đọc, các nhà khoa học đã xác định rằng: Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi nó được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài.
Ông Richard Bamberger, người thành lập Viện nghiên cứu sách giáo khoa trường học nước Áo, đã nói: “Trên cơ sở kinh nghiệm rộng rãi có thể nói rằng nếu đến năm thứ 5 ở trường tiểu học, đứa trẻ không phải là người đọc nhiệt tình và không phát triển bất cứ sở thích đọc sách đặt biệt nào, thì có rất ít hy vọng tình hình sẽ thay đổi sau đó".
Tiến sĩ, giáo sư danh dự tại Đại học New York (Mỹ), bà Bernice Cullinan, khẳng định: “Lứa tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của kỹ năng đọc và trong việc hình thành thói quen đọc sách suốt đời”.
Một số nước có nền văn hóa đọc phát triển, họ xây dựng việc đọc sách như là sự bắt buộc, được quy định trong chương trình học chính thức của nhà trường.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
Những nước phát triển hoặc một số nước Đông Nam Á có nền văn hóa đọc phát triển đều cho thấy họ đã xây dựng việc đọc sách như là sự bắt buộc, được quy định trong chương trình học chính thức của nhà trường.
Năm 2019, ông thị trưởng của thủ đô Jakarta trong buổi lễ khai mạc Hội sách các nước Đông Nam Á mà tôi đại diện Hội Xuất bản Việt Nam tham dự, đã nói về tầm quan trọng của việc hình thành thói quen đọc sách của học sinh Indonesia.
Ông nói rằng khi ông còn làm bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia, ông đã ban hành quy định học sinh tiểu học trong chương trình chính thức phải có 15 phút đọc sách đầu giờ mỗi ngày (Indonesia là một trong ba nước Đông Nam Á cùng Malaysia, Singapore có người dân đọc sách nhiều nhất trong 61 nước được bình chọn).
Từ cách đặt vấn đề trên đây, chúng tôi thấy vai trò nhà trường rất quan trọng trong việc góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, nên chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia phát triển văn hóa đọc bằng một số biện pháp.
Tổ chức tiết đọc sách cho học sinh với các hình thức khác nhau, được đưa vào thời khóa biểu chính thức của nhà trường.
Trước tiên, đưa tiết đọc sách vào cấp tiểu học, có thể áp dụng 15 phút mỗi đầu giờ (như Indonesia, hay một số trường ở TP. HCM, Hà Nội đã áp dụng); đảm bảo từ 2 đến 4 tiết/lớp/tháng như trong dự thảo hướng dẫn hoạt động thư viện năm học 2020-2021 mà Bộ đang lấy ý kiến để ban hành trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng tôi đề nghị cần thiết đổi mới việc dạy và học, yêu cầu tạo cơ hội cho học sinh tra cứu, sử dụng tài liệu tại thư viện ít nhất 1 tuần một lần. Giáo viên dạy môn học cho học sinh làm bài tập đòi hỏi học sinh tìm sách đọc, tra cứu thông tin để khuyến khích các em đọc trước khi học và đọc mở rộng những điều đã học trên lớp, đọc để làm các dự án, bài tập áp dụng tổng hợp các nội dung đã học.
Thông qua việc sử dụng nguồn sách đọc mở rộng có kế hoạch như vậy, học sinh sẽ có thể sử dụng thời gian của mình tại thư viện, sẽ tiếp xúc nhiều loại dữ liệu đọc khác nhau, khuyến khích họ ngày càng tự giác dấn thân vào đọc như những người đọc độc lập để trở thành người tự học tốt nhất.
Việc triển khai giờ đọc sách trong trường học vừa là một việc cần thiết, có cơ sở pháp lý, là phù hợp với xu hướng giáo dục tiến bộ trên thế giới.