Thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Ottoman
Danh hiệu 'Vĩ đại' do người châu Âu trao cho ông thể hiện sự ngưỡng mộ lớn lao đối với thủ đô của đế chế và triều đình của Quốc vương.
Triều đại của Suleiman là thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Ottoman. Bản thân ông là một người có văn hóa rộng, với kiến thức sâu sắc về Kinh Koran và tư duy tôn giáo. Giống như cha mình, người đã viết thơ bằng tiếng Thổ Osmanli cũng như Çagatai (tiếng Thổ phương Đông), Suleiman để lại một tập thơ bằng tiếng Ba Tư, điều này cho thấy ông sở hữu một tài năng nhất định về ngôn ngữ và thơ phú.
Dưới cái tên Muhibi (hay Người hòa nhã), ông đã viết những bài thơ gồm năm hoặc sáu câu (gazel) theo hình thức rất cổ điển và đề cập đến các chủ đề thông thường: tình yêu, sự xoay chuyển của thời gian, sự phù phiếm của vật chất trần thế. Ngay cả khi tài năng viết thơ trữ tình của ông khó lòng vượt qua tài năng của nhiều nhà thơ cùng thời, nhưng những bài thơ của ông vẫn thể hiện một phẩm giá, tinh thần cao cả và sự khiêm nhường khó có thể mong đợi từ ngòi bút của một vị quân vương vĩ đại như vậy.
Ngay từ đầu triều đại của mình, vị “Solomon mới” đã có tham vọng để lại cho những thế hệ sau những công trình tôn vinh tên tuổi của mình và mang lại cho thời đại của ông một danh tiếng lớn lao, làm lu mờ tất cả thời đại khác trong quá khứ hoặc sau này.
Danh hiệu “Vĩ đại” do người châu Âu trao cho ông thể hiện sự ngưỡng mộ lớn lao đối với thủ đô của đế chế và triều đình của Quốc vương. Những thứ đã làm kinh ngạc những người phương Tây khi họ vừa mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và nghèo đói trầm trọng của thế kỷ XV.

Nhà thờ hồi giáo - dấu ấn kiến trúc thời Ottoman trường tồn cùng lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: barcelo.com.
Suleiman khuyến khích mọi hình thức sáng tạo. Các nghệ sĩ, nhà thơ, nhà thần học, luật gia, nhà sử học và nhà khoa học đều được chào đón tại triều đình - Quốc vương đã cung cấp nguồn tài chính gần như vô tận cho họ. Ông sẽ ban tặng hai câu thơ mà ông rất thích một cách hào phóng.
Baki, nhà thơ trữ tình tài năng nhất của thời đại cổ điển, đã từng làm thợ đóng yên ngựa tập sự; một bài thơ gazel mà ông gửi đến cho Quốc vương sau chiến dịch Ba Tư đã mở lối cho ông vươn đến những vinh dự lớn lao. Ông thăng tiến nhanh chóng thông qua hệ thống phân cấp giảng dạy và tư pháp. Suleiman sẽ gửi bài thơ của chính mình cho “vua của các nhà thơ” đọc.
Hayali, một nhà thơ khác cùng thời, đã nhận được 150.000 đồng asper tiền hỗ trợ quân sự. Sinan, kiến trúc sư vĩ đại, được đối xử với sự tôn trọng hiếm có. Khoảng ba mươi họa sĩ, chủ yếu vẽ tranh tiểu họa, làm việc thường trực tại cung điện.
Trong vài thập kỷ, theo ý muốn cụ thể của Quốc vương, các tòa nhà đủ loại mọc lên trong các thị trấn, dọc theo các con đường và bờ biển: nhà thờ Hồi giáo, trường học, tòa nhà phức hợp, nhà trọ cho các đoàn lữ hành, cầu, cống dẫn nước, bệnh viện và các cơ sở từ thiện. Damascus, Baghdad, Mecca, Medina và Jerusalem đều được tôn tạo.
Tại Konya, ông ra lệnh xây dựng một tu viện mới dành cho những các giáo sĩ đạo Hồi và một nhà thờ Hồi giáo gần lăng mộ của nhà thơ và nhà thần bí vĩ đại Celaleddin Rumi. “Những mô tả chi tiết về tất cả tòa nhà do Suleiman xây dựng có thể lấy làm tư liệu cho một cuốn sách giống như cuốn sách mà Procopius viết về các công trình kiến trúc mà Vua Justinian chịu trách nhiệm xây dựng.”