'Thời khắc quyết định' để dứt điểm ô nhiễm nhựa trên toàn cầu
Các đại biểu từ 175 quốc gia đang hướng tới việc hoàn tất một hiệp ước mới nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu, dù vấp phải nhiều vấn đề gây mâu thuẫn.
Chỉ hơn một ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Baku (Azerbaijan) bế mạc, đại biểu từ 175 quốc gia lại tập trung ở Busan (Hàn Quốc) để tham dự vòng đàm phán cuối cùng nhằm đạt được một hiệp ước mang tầm quốc tế về xử lý ô nhiễm nhựa.
"Thời khắc quyết định để chấm dứt ô nhiễm nhựa đã đến", Inger Andersen, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, tuyên bố trong phát biểu khai mạc các vòng đàm phán. "Chúng ta đang đứng trước thời khắc lịch sử để chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên thế giới và bảo vệ môi trường".
Tuy nhiên, những chia rẽ sâu sắc về những gì hiệp ước nên giải quyết đang gây trở ngại cho các cuộc đàm phán ở thời điểm hiện tại, Tình trạng này từng khiến 4 cuộc họp trước đó trong 2 năm rưỡi vừa qua đạt rất ít tiến triển.
Mâu thuẫn về quyền tự quyết
Theo trang Climate Change News, các quốc gia vẫn còn nhiều điều phải giải quyết trước khi có một hiệp ước chung. Vấn đề gây tranh cãi nhất là liệu có giới hạn về số lượng nhựa mà các công ty được phép sản xuất hay không.
Tổng cộng 66 quốc gia, dẫn dầu là Na Uy và Rwanda, cho biết họ muốn giải quyết tổng lượng nhựa trên Trái Đất bằng cách kiểm soát thiết kế, sản xuất, tiêu thụ nhựa và những gì xảy ra khi loại vật liệu này hết vòng đời. Tuy nhiên, một số quốc gia đi đầu trong sản xuất đồ nhựa và dầu khí, trong đó có Ả-rập Xê-út, phản đối mạnh mẽ những giới hạn như vậy.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, sản lượng nhựa toàn cầu dự kiến sẽ đạt 736 triệu tấn vào năm 2040, tăng 70% so với năm 2020, nếu không có những thay đổi về chính sách. Các nhà đàm phán phải quyết định xem hiệp ước sẽ chỉ giảm hay loại bỏ hoàn toàn nhựa dùng một lần. Họ cũng phải quyết định có nên chấm dứt việc sử dụng hóa chất nguy hại trong nhựa hay không, và liệu những bước này sẽ là bắt buộc hay chỉ mang tính khuyến khích.
Dù vậy, cũng có nhiều điểm thu hút sự đồng thuận của nhiều quốc gia, chẳng hạn như hiệp ước phải có các điều khoản thúc đẩy việc thiết kế lại các sản phẩm nhựa để chúng có thể được tái chế và tái sử dụng. Nhiều nước còn muốn đầu tư để quản lý rác thải nhựa tốt hơn, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế và giúp những người làm nghề thu gom rác chuyển sang các công việc an toàn hơn.
Sau cùng, mọi quốc gia đều muốn hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Luis Vayas Valdivieso, Đại sứ Ecuador tại Vương Quốc Anh kiêm Chủ tịch Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa, nhẫn mạnh các nước nên "tận dụng mọi công cụ của chủ nghĩa đa phương, mọi ý tưởng sáng tạo và mọi khoảnh khắc đối thoại để vượt qua những khác biệt và xây dựng một hiệp ước đầy tham vọng "như ý chí chung được tập thể chúng ta cho phép".
Hướng tới một cách tiếp cận toàn diện
Graham Forbes, người dẫn đầu phái đoàn của tổ chức Hòa bình xanh tại Busan, cho biết tổ chức của ông ủng hộ một thỏa thuận đặt ra các biện pháp bảo vệ hợp lý để giảm lượng nhựa được sản xuất, loại bỏ các hóa chất độc hại và bảo vệ mọi người khỏi việc sử dụng đồ nhựa không rõ nguồn gốc. Theo ông, điều đó chỉ có thể đạt được nếu có “sự lãnh đạo chính trị và lòng dũng cảm chưa từng thấy” so với các cuộc đàm phán trước đó.
Frankie Orona, giám đốc điều hành Hiệp hội các bộ lạc Mỹ bản địa có trụ sở tại bang Texas (Mỹ), yêu cầu một hiệp ước giải quyết tận gốc rễ của cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa thay vì chỉ kiểm soát chúng. "Chúng ta phải nắm bắt thời điểm này và để lại di sản mà chúng ta có thể tự hào, với tương lai bền vững không độc hại cho tất cả trẻ em và con cháu chúng ta", ông Orona tuyên bố.
Trong khi đó, lãnh đạo các ngành công nghiệp muốn có một thỏa thuận ngăn ngừa ô nhiễm nhựa bằng cách thiết kế lại các sản phẩm nhựa theo hướng dễ tái sử dụng và tái chế thành các sản phẩm mới. Họ cho biết điều này vừa duy trì sản xuất và lưu thông các sản phẩm nhựa nhưng vẫn đảm bảo an toàn với môi trường.
"Tôi rất ghét phải bỏ lỡ cơ hội này, vì chúng ta quá tập trung vào các vấn đề gây chia rẽ thay vì đoàn kết để hướng tới mục đích cuối cùng là giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa", Steve Prusak - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty hóa chất Chevron Phillips, cho hay "Đây thực sự là thời điểm quan trọng. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng những gì chúng ta đạt được từ các cuộc họp sẽ dẫn đến các chính sách thực tế, có thể thực hiện được và có sự hài hòa trên toàn cầu".
Về phần mình, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc Inger Andersen kêu gọi các đại biểu “đàm phán một cách thiện chí” thay vì “hạ thấp tiêu chuẩn để hiệp ước trở nên vô nghĩa”. Bà nhấn mạnh các cuộc đàm phán là cơ hội lịch sử để đạt được thỏa thuận và điều chỉnh lộ trình, và đó là điều "hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta".