Thời gian đóng bảo hiểm khi làm việc ở nước ngoài được tính để xét hưởng lương hưu

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian này, sẽ được tính để xét điều kiện hưởng lương hưu...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết quy định này nhằm đảm bảo tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, cũng bảo đảm quyền lợi cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

ĐƯỢC TÍNH THỜI GIAN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở CẢ HAI NƯỚC

Theo đó, tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã thông qua việc bổ sung quy định trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động ở Việt Nam, và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Ông Cường cho biết đây là xu hướng của quá trình hội nhập, sẽ đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và các nước.

Thời gian qua, một hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội đã được ký kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này, và cũng là hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác. Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực và được áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Vì thế, trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 6 năm nay, đã ghi nhận quá trình công tác, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để tính hưởng các quyền lợi đối với nhóm này khi họ từng đi làm việc tại nước ngoài, cũng như lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội cũng thông tin, khi các nước ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, thông thường sẽ có hai nội dung lớn. Trước hết là tránh việc đóng hai lần bảo hiểm xã hội với người lao động. Đồng thời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau.

Thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân Việt Nam, và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam, và Hàn Quốc.

Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét điều kiện, để người lao động hưởng chế độ lương hưu.

Mức hưởng chế độ mà Quỹ Bảo hiểm xã hội của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu, sẽ căn cứ vào thời gian, và mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó. Công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi nước…

TRÁNH ĐÓNG TRÙNG BẢO HIỂM, ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Như vậy, với quy định mới tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại nước này. Đồng thời, họ cũng có thời gian đóng ở Việt Nam, khi về nước, nếu hưởng lương hưu sẽ được tính tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, để xét điều kiện hưởng lương hưu.

Việt Nam và Hàn Quốc ký thỏa thuận hành chính hiệp định giữa hai nước về bảo hiểm xã hội. Ảnh: MOLISA.

Việt Nam và Hàn Quốc ký thỏa thuận hành chính hiệp định giữa hai nước về bảo hiểm xã hội. Ảnh: MOLISA.

“Ví dụ, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam là 10 năm, sau đó sang Hàn Quốc làm việc và đóng 5 năm, khi về Việt Nam mà đủ tuổi nghỉ hưu, và có thời gian đóng ở cả 2 nước là 15 năm, thì đủ điều kiện hưởng lương hưu ở Việt Nam”, ông Cường dẫn chứng.

Cũng để tránh đóng trùng bảo hiểm xã hội giữa hai quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn một số nội dung thực hiện hiệp định về cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc; tiếp nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội đối với lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, dừng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc theo hợp đồng.

Hiện cơ quan có thẩm quyền của hai nước tiếp tục thống nhất một số nội dung về quy trình, biểu mẫu áp dụng trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, quy định hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, và pháp luật Việt Nam.

Khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc tăng cường năng lực quản lý và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế. Từ đó, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Cùng với đó, thúc đẩy đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về bảo hiểm xã hội. Thông qua đó, sẽ bảo đảm quyền lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Luật mới cũng quy định, việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm.

Theo đó, mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thoi-gian-dong-bao-hiem-khi-lam-viec-o-nuoc-ngoai-duoc-tinh-de-xet-huong-luong-huu.htm
Zalo