Thời điểm khó khăn nhất của Xuân Son
Sau ca phẫu thuật kéo dài 85 phút, Xuân Son chính thức bước vào giai đoạn thử thách nhất trong hành trình trở lại sân cỏ.
Qua 5 ngày kể từ khi tiền đạo Nguyễn Xuân Son gặp chấn thương đau đớn trên sân Rajamangala (Thái Lan). Dù không có va chạm trực tiếp với đối thủ, cú ngã mạnh đã khiến anh gãy kín 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân, với một mảnh rời dài đến 7 cm ở thành sau.
Chưa đầy 24 giờ sau tai nạn, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải là thử thách lớn nhất của Xuân Son. Điều anh phải đối mặt thực sự là giai đoạn phục hồi chức năng - quãng thời gian quyết định đến cơ hội trở lại với sân cỏ.
Trong môn thể thao đối kháng khắc nghiệt như bóng đá, đôi chân khỏe chính là nền tảng vững chắc giúp cầu thủ có thể tiếp tục đam mê và cống hiến.
Lộ trình 6 tháng phục hồi chức năng
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng và y học thể thao Trịnh Quang Anh nhận định vết gãy xương của Xuân Son là gãy ngang, không có hiện tượng gãy vụn xương như các trường hợp bị xe cán hay vật nặng rơi trúng. Nhờ đó, quá trình lành xương và phục hồi của nam cầu thủ sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả phục hồi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có thể kể đến mức độ chấn thương, tay nghề của phẫu thuật viên, quá trình tập vật lý trị liệu và nỗ lực của bản thân cầu thủ.
"Đối với người bình thường, việc phục hồi chức năng sau khi gãy xương ống chân chỉ nhằm để đáp ứng khả năng đi lại, vận động thông thường. Thế nhưng, với các vận động viên chuyên nghiệp, đôi chân không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là 'công cụ hành nghề'.
Ngoài khả năng đi lại, các cầu thủ còn phải lấy lại sự nhanh nhẹn cũng như khôi phục khả năng kỹ thuật khó trong bóng đá như lùa bóng, dẫn bóng. Vì các yếu tố trên, các bài tập phục hồi chức năng dành cho vận động viên thường có cường độ cao và thời gian luyện tập dài hơn so với người bình thường", bác sĩ Quang Anh nhấn mạnh.
ThS Nguyễn Quyết Thắng, Kỹ thuật viên trưởng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình & Y học Thể thao, Vinmec Times City, cho biết lộ trình phục hồi chức năng của nam cầu thủ được chia thành 4 giai đoạn với từng mục tiêu rõ ràng.
Trong 1-2 tuần đầu, mục tiêu điều trị là kiểm soát đau, kích hoạt thần kinh cơ, phục hồi khả năng di chuyển và phòng ngừa các biến chứng nếu có. Các giai đoạn tiếp theo hướng đến tăng cường sức mạnh, cải thiện tầm vận động, thăng bằng và chuẩn bị thể lực.
Tính từ thời điểm phẫu thuật, nếu tuân thủ tốt quá trình phục hồi chức năng, cầu thủ có thể tập luyện với cường độ tối đa sau khoảng 6 tháng. Thời gian quay trở lại thi đấu không thể khẳng định trước mà sẽ phải xác định thông qua các bài kiểm tra phân tích vận động. Theo các nghiên cứu ở các cầu thủ bóng đá, trung bình sẽ mất khoảng 9 tháng để có thể trở lại thi đấu.
Cũng theo ThS Quyết Thắng, trong xuyên suốt giai đoạn này, thách thức lớn nhất của nam cầu thủ chính là sự chuyển đổi đột ngột từ cường độ vận động cao sang trạng thái chấn thương, buộc phải hạn chế di chuyển.
Điều này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến thể chất mà còn đặt nặng áp lực lên tinh thần, đòi hỏi sự phối hợp điều trị chặt chẽ giữa các chuyên khoa như dinh dưỡng, tâm lý, phục hồi chức năng, phẫu thuật, cùng sự quyết tâm và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ từ phía Xuân Son.
Yếu tố quyết định cơ hội quay lại đỉnh cao của Xuân Son
ThS.BS Hồ Ngọc Minh, khoa Nội soi khớp & Y học thể thao, Vinmec Times City nhấn mạnh đối với trường hợp của tiền đạo Xuân Son, việc phẫu thuật chỉ chiếm khoảng 10% hiệu quả điều trị, trong khi 90% khả năng trở lại thi đấu chuyên nghiệp phụ thuộc vào quá trình phục hồi hậu phẫu.
Chính những phương pháp phục hồi chuyên sâu, từ vật lý trị liệu đến việc tối ưu hóa chế độ dinh dưỡng và luyện tập, mới là yếu tố then chốt giúp vận động viên phục hồi hiệu quả, sớm quay lại đỉnh cao sự nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, quá trình điều trị sẽ được thực hiện theo phác đồ tổng thể bao gồm chăm sóc hậu phẫu, hỗ trợ tâm lý, tập phục hồi chức năng và kiểm soát dinh dưỡng. Các bác sĩ điều trị phải tính toán chi tiết lượng calo trong từng bữa ăn, từng bài tập mỗi ngày, đồng thời xác định thời điểm hợp lý để anh quay lại luyện tập cùng đội.
Tất cả đều được cá nhân hóa để phù hợp với thể trạng và tình hình hồi phục của tiền đạo gốc Brazil. Mục tiêu là đảm bảo các tiêu chí an toàn, phòng tránh tái phát, giúp cầu thủ nhanh chóng hồi phục và trở lại thi đấu đỉnh cao.
Về khả năng tái chấn thương của Xuân Sơn, ThS.BS Ngọc Minh nhận định là rất thấp. Với việc vẫn còn đinh nội tủy bên trong xương chày, khả năng gãy lại xương gần như không thể xảy ra, vì độ cứng của đinh rất lớn.
Tuy nhiên, trong bóng đá, một môn thể thao đối kháng khắc nghiệt, các chấn thương khác vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi không ai có thể tiên đoán trước được những tình huống mà các cầu thủ có thể gặp phải.
Chia sẻ trước đó với Tri Thức - Znews, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, chuyên gia chấn thương chỉnh hình và y học thể thao - người từng phẫu thuật cho tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, cũng cho rằng đối với các vận động viên chuyên nghiệp như Xuân Son, quá trình phục hồi thường nhanh hơn nhờ cơ địa cũng như nền tảng cơ bắp và xương tốt. Son cũng sẽ được chăm sóc trong chế độ dinh dưỡng, điều kiện y tế tốt nhất nên hoàn toàn có thể quay trở lại thi đấu.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, bản thân nam cầu thủ không nên chủ quan. Việc theo dõi và chăm sóc sau mổ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ, không gặp phải biến chứng. Bên cạnh đó, duy trì tâm lý tích cực cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho việc phục hồi chấn thương ở vận động viên.