Thời cơ mới cho xây dựng thương hiệu địa phương
Theo dự kiến, trên toàn quốc, ngoài 11 tỉnh, thành không sáp nhập, 52 tỉnh, thành còn lại sẽ được sáp nhập thành 23 tỉnh, thành mới với sự thay đổi về quy mô diện tích, dân số... Theo nhận định của các chuyên gia, sau quá trình tái cơ cấu và tinh gọn bộ máy, mỗi địa phương cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế riêng trong bức tranh tổng thể.
Biến thách thức thành thời cơ phát triển
Việc xác định đúng những đặc tính nổi trội sẽ là căn cứ quan trọng để định hình giá trị cốt lõi cho thương hiệu địa phương. Chẳng hạn như trước đây, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có di sản thế giới Vịnh Hạ Long, vì vậy, định hình cho chiến lược thương hiệu của thành phố Hạ Long là trở thành một “Thành phố lễ hội”. Chương trình hành động “Nụ cười Hạ Long” được xem là điểm nhấn khác biệt với tất cả các địa phương của Việt Nam.
Cũng có di sản thế giới nhưng Ninh Bình lại đặt mục tiêu trở thành “Trung tâm du lịch quốc gia mang giá trị toàn cầu”. Trên cơ sở đó, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh đã và đang quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển bằng cách giải quyết thật tốt các vấn đề đặt ra như: Ðổi mới tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương, bảo tồn và phát huy di sản để các giá trị di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân và trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân trong vùng di sản.
PGS.TS. Phạm Trương Hoàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng khẳng định, cần coi việc sáp nhập là thời cơ làm mới thương hiệu, một địa phương mới sẽ có thêm giá trị văn hóa mới.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương nên bắt tay ngay vào đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu trên nhiều nền tảng.

Mỗi địa phương sẽ có một lợi thế cạnh tranh trong phát triển thương hiệu
Phải tìm được giá trị cốt lõi
PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, (Đại học Thương mại) cho rằng, thách thức lớn nhất trong xây dựng thương hiệu địa phương chính là quá trình hiện thực hóa chiến lược thương hiệu. Để triển khai thành công, đòi hỏi phải huy động tối đa nguồn lực và quan trọng hơn là nhận được sự đồng thuận, thấu hiểu từ cộng đồng trong suốt một hành trình dài. Bởi lẽ, xây dựng thương hiệu địa phương là cả một quá trình nhằm kiến tạo tầm nhìn dài hạn với bản sắc địa phương làm nền tảng cốt lõi.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, quá trình tái định vị bản sắc thương hiệu địa phương trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, đặc biệt sau các đợt sáp nhập hành chính. Việc hòa hợp các bản sắc khác biệt sẽ tạo ra nhiều vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, yêu cầu tái quy hoạch hạ tầng vừa là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội phát triển mới. Mặc dù sẽ có những xáo trộn nhất định về kinh tế - xã hội, nhưng nếu được triển khai hợp lý, sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn so với trước.
Không chỉ vậy, ông Thịnh phân tích, nhận thức và ý chí, quyết tâm của lãnh đạo là tiền đề và là điều kiện cần, sự thấu hiểu và đồng lòng của cộng đồng dân cư là điều kiện đủ để xây dựng thương hiệu địa phương. Điều này không chỉ đến từ các quy định có tính pháp lý, hành chính mà quan trọng hơn là từ sự thấu hiểu và tự nguyện trong cộng đồng. Do đó cần tăng cường các hoạt động truyền thông nội bộ để mỗi người dân địa phương thấu hiểu những giá trị của chương trình thương hiệu địa phương.
Ngoài ra, một chuyên gia đề xuất, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho từng địa phương chính là chìa khóa then chốt để xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương bền vững. Mỗi vùng miền sở hữu những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên và thế mạnh kinh tế đặc trưng - đây chính là nền tảng quan trọng để kiến tạo bản sắc thương hiệu riêng biệt. Chẳng hạn, một tỉnh ven biển có thể tập trung phát triển thương hiệu “Đô thị biển xanh” kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; trong khi vùng núi có thể định vị thương hiệu “vùng nông sản sạch” hay “không gian văn hóa bản địa”. Cơ chế linh hoạt cho phép các địa phương chủ động trong việc xây dựng chiến lược truyền thông; thiết kế bộ nhận diện và triển khai các chương trình quảng bá phù hợp với đặc thù riêng. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu địa phương mà còn tạo sự khác biệt rõ nét trong thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Hơn nữa, khi thương hiệu địa phương được xác lập rõ ràng, nó sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự đồng thuận và tự hào của cộng đồng dân cư - yếu tố then chốt để duy trì và phát triển thương hiệu lâu dài. Do đó, việc trao quyền tự chủ trong xây dựng thương hiệu cần được xem là giải pháp chiến lược hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương hiện nay.
Còn trước mắt, PGS.TS. Phạm Trương Hoàng cho rằng, quan trọng nhất các địa phương cần bố trí sẵn nguồn lực cả về tài chính, con người, bộ máy… để đảm bảo việc thiết kế, xây dựng hay làm mới thương hiệu được thực hiện liền mạch và kịp thời; tránh sự thiếu sót hoặc sai lệch thông tin, thậm chí có thể cần thay đổi quy hoạch phát triển tại địa phương mới so với địa phương cũ.