Thời cơ để phát triển đất nước

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, để tận dụng tối đa thời cơ, vượt qua thách thức và hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, Đảng ta đang tập trung lãnh đạo tiến hành nhiều giải pháp đột phá và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược, hứa hẹn mở ra một cục diện phát triển mới, năng động và hiệu quả hơn cho đất nước.

1.Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị”, chỉ trong vòng khoảng 4 tháng qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tạo ra sự đột phá về kết quả, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cấp Trung ương.

Khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trung ương đã giảm hàng trăm đầu mối cấp vụ, cấp phòng với tỷ lệ giảm tương đương từ hơn 10% đến hơn 80%. Quốc hội giảm 5 cơ quan, đạt tỷ lệ giảm 37,5%; các vụ, đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội sau sắp xếp cũng giảm trên 51% đầu mối. Chính phủ giảm 5 bộ, ngành. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 519 cục và tổ chức tương đương, giảm 219 vụ và tổ chức tương đương, giảm 3.303 chi cục và tương đương...

Tuy nhiên, tất cả mới là bước khởi đầu bởi cuộc cách mạng đang diễn ra với những bước đi ngày càng quan trọng. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa tiến hành Hội nghị lần thứ mười một để xem xét nhóm vấn đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Để chuẩn bị cho hội nghị này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp nhiều phiên, bàn bạc thấu đáo nhiều khía cạnh trước khi thống nhất trình Trung ương.

Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) thành công rất tốt đẹp và có ý nghĩa lịch sử. Ảnh: ND/Đăng Khoa

Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) thành công rất tốt đẹp và có ý nghĩa lịch sử. Ảnh: ND/Đăng Khoa

Tại hội nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã trình Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các Đề án về hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương; Đề án về sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; các Đề án về sắp xếp các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát; và các Đề án về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành điều lệ Đảng, các quy định về kiểm tra, giám sát Đảng để bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ...

Đúng như đề nghị của Tổng Bí thư Tô Lâm, bằng tư duy đổi mới và tinh thần cách mạng triệt để, vì sự phát triển của đất nước và vì nhân dân, các đồng chí Trung ương đã tiến hành thảo luận kỹ tại tổ và tại hội trường, phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ, bàn bạc thấu đáo trước khi đi đến thống nhất.

Có thể nói, một khối lượng công việc to lớn, chất lượng đã được thực hiện trong thời gian ngắn, đúng với tinh thần cách mạng “vừa chạy vừa xếp hàng”. Giữa lúc công tác đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách, nhất là phải ứng phó kịp thời với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, sự nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm nức lòng cán bộ, đảng viên và quân, dân cả nước.

2. Thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ mười một khóa XIII, không chỉ cho thấy sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng, mà còn là minh chứng khẳng định chủ trương tinh gọn bộ máy là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các nội dung được bàn tại Hội nghị Trung ương lần thứ mười một mang ý nghĩa quyết định, đặt nền móng vững chắc cho một cuộc cách mạng sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ đơn thuần là việc giảm đầu mối, tinh giản biên chế mà còn mang trong mình một tầm nhìn chiến lược sâu rộng, hướng đến mục tiêu xây dựng một bộ máy nhà nước “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ; mà còn phân cấp về thẩm quyền; bố trí lại đơn vị hành chính; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát với dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.

Thực vậy, chúng ta đã quá rõ khi bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian thì cùng đi liền với tình trạng chậm trễ trong giải quyết công việc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ giúp giảm bớt khâu trung gian, tăng cường tính thống nhất, thông suốt trong chỉ đạo, điều hành. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của từng cấp, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả còn tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các đơn vị hành chính sau khi được sắp xếp lại, với quy mô lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút nhân tài, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Mục tiêu cuối cùng của việc tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính là phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Khi bộ máy được tinh gọn, sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo điều kiện để chính quyền cấp tỉnh tập trung vào các vấn đề chiến lược, quy hoạch phát triển, trong khi chính quyền cấp cơ sở có điều kiện nắm bắt và giải quyết kịp thời những nhu cầu thiết thực của người dân.

Việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương sẽ tăng cường tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế địa bàn; đúng với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Sâu xa hơn, một bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm phục vụ nhân dân sẽ củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Khi người dân cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính, được thụ hưởng những dịch vụ công chất lượng cao, cuộc sống ngày càng được cải thiện, sự đồng thuận xã hội sẽ được tăng cường, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ máy tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ tiếp thêm động lực cho đất nước phát triển. Ảnh: Quang Thái

Bộ máy tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ tiếp thêm động lực cho đất nước phát triển. Ảnh: Quang Thái

3.Với yêu cầu “tất cả các công việc đều phải triển khai cùng lúc, không thể chậm việc nào”, thời gian tới, nhiệm vụ tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính là một quá trình phức tạp, đòi hỏi từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện cụ thể, khoa học, đúng chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế. Mỗi nơi cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các bước đi rõ ràng, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, đặc biệt là đúng tiến độ. Một điều quan trọng là phải quán triệt và thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là: Phương án và lộ trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả và không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan, hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động thường ngày của người dân, doanh nghiệp.

Có thể khẳng định rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang đi vào cao điểm đầy khí thế cách mạng. Kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ mười một với sự thống nhất cao của Trung ương đối với các vấn đề đã phát đi những tín hiệu về niềm tin vững chắc vào thành công của cuộc cách mạng.

Minh Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thoi-co-de-phat-trien-dat-nuoc-698869.html
Zalo