Thời cơ để phát triển các loại hình di sản văn hóa dân gian

Sáng 24/5, tại Đà Nẵng, Hội văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Văn hóa dân gian trong đời sống đô thị ở Đà Nẵng'.

Quang cảnh Hội thảo khoa học "Văn hóa dân gian trong đời sống đô thị ở Đà Nẵng".

Quang cảnh Hội thảo khoa học "Văn hóa dân gian trong đời sống đô thị ở Đà Nẵng".

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà nghiên cứu, quản lý, nhà giáo dục và văn nghệ sĩ cùng nhau trao đổi, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian trong đời sống đô thị Đà Nẵng.

Qua đó, hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại của đô thị Đà Nẵng.

Hội thảo đã trình bày 26 bài tham luận của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và hội viên Hội Văn nghệ dân gian về văn hóa dân gian đô thị, mối quan hệ giữa không gian đô thị và văn hóa dân gian.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng phát biểu tại hội thảo.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu tại hội thảo cho rằng, trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa, những giá trị truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi; song, cũng mở ra nhiều cơ hội mới để tái sinh, phát huy.

Do đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm với quá khứ, mà còn là đầu tư cho tương lai phát triển bền vững của thành phố.

Tại hội thảo, các bài tham luận nêu rõ, sự phát triển của đô thị là tất yếu nhưng cũng là cơ hội để nuôi dưỡng, làm sống lại những giá trị truyền thống dân gian. Trong đó, việc khai thác không gian công cộng (như công viên, sân đình, các di tích lịch sử) để tổ chức lễ hội, trình diễn nghệ thuật dân gian là một trong những giải pháp mang tính khả thi.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm phát biểu.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm phát biểu.

Đặc biệt tham luận của tác giả Bùi Văn Tiếng còn đề cập đến nguy cơ và thời cơ để phát triển các loại hình di sản văn hóa dân gian sau hợp nhất Đà Nẵng - Quảng Nam.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã phản ánh các lĩnh vực như: lễ hội và tín ngưỡng dân gian; nghệ thuật dân gian; ẩm thực; văn học; triết lý và truyện kể dân gian trong đời sống đô thị; đồng thời, đưa ra giải pháp phát huy giá trị văn hóa dân gian trong đô thị Đà Nẵng qua trường học để giáo dục và truyền cảm hứng cho giới trẻ.

CÔNG VINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thoi-co-de-phat-trien-cac-loai-hinh-di-san-van-hoa-dan-gian-post882036.html
Zalo