Thời cơ chín muồi đưa cách mạng miền Nam toàn thắng
Thắng lợi thần tốc mùa Xuân năm 1975 là kết quả của quá trình 21 năm quân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, đầy thao lược quyết chiến, quyết thắng kẻ thù. Những chiến công dồn dập trong hơn 50 ngày đêm của cách mạng được tích lũy từ những ngày tháng gian lao năm 1954 - 1959, từ các chiến công vang dội năm 1965, 1968, 1972...
Thống nhất tư tưởng, quyết tâm
Với Hiệp định Paris được ký kết tháng 1.1973, Hoa Kỳ buộc rút quân khỏi miền Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự ở Việt Nam. Sự kiện này mở ra thời kỳ cách mạng miền Nam “đánh cho Ngụy nhào”. Tuy nhiên, Hiệp định quy định chấm dứt chiến sự, công nhận sự tồn tại của 2 chính quyền, 2 vùng kiểm soát... thì việc đánh đổ chế độ Sài Gòn - thế lực không bao giờ thi hành Hiệp định - sẽ diễn ra như thế nào? Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Lê, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 (tháng 10.1973) đã giải quyết vấn đề này.

Bộ Chính trị họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Ảnh: Tư liệu
Thực tiễn tình hình miền Nam lúc đó phát triển theo hai khả năng. Một là, nhân dân Việt Nam từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định, hòa bình được lập lại thật sự và Nhân dân miền Nam vượt qua khó khăn phức tạp để hoàn thành độc lập, dân chủ. Hai là, nếu đối phương phá hoại Hiệp định, “ta lại phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go, quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn”. Cân nhắc các tình huống có thể xảy ra, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 khẳng định vấn đề mấu chốt để hoàn thành công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà là: “Trong bất kỳ tình hình nào, phải nắm vững lực lượng vũ trang".
Trên chiến trường miền Nam, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một số địa phương vì không nhận thức hết âm mưu của đối phương nên bị địch lấn chiếm, mất đất, mất dân. Trong khi đó, ở Khu 9, dù lực lượng chưa được tăng cường nhiều như những địa bàn khác, nhưng đã chủ động tiến công địch lấn chiếm nên vùng giải phóng được củng cố, mở rộng. Trước tình hình trên, Trung ương Đảng đã chỉ đạo lực lượng cách mạng miền Nam: “Phải kiên quyết phản công và tiến công địch, giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta”.
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê nhận định: tinh thần cơ bản nhất của Hội nghị lần thứ 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng quán triệt cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là chuẩn bị và sẵn sàng sử dụng bạo lực cách mạng, giữ vững thế tiến công chiến lược của cách mạng miền Nam, sẵn sàng vượt Hiệp định nếu đối phương không chịu thi hành các điều khoản đã được ký kết.
“Kể từ tháng 10.1973 trở đi, tư tưởng nhất quán này được quán triệt sâu rộng trong mọi lực lượng cách mạng, từ đó tạo thế đồng bộ cả về thế tiến công chiến lược và tư tưởng để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước về đích. Hiện tượng một số địa phương bị mất đất, mất dân sau tháng 1.1973 được khắc phục nhanh chóng. Thấm nhuần tinh thần Hội nghị lần thứ 21, từ đầu năm 1974 trở đi, quân Giải phóng không chỉ giữ vững địa bàn của mình mà còn đánh thẳng vào các trung tâm nơi Sài Gòn xua quân lấn chiếm”.
Đòn trinh sát chiến lược
Sau thời gian nắm bắt tình hình quốc tế, khu vực và diễn biến từ chiến trường, nhất là sau khi Nixon buộc phải từ chức, Đảng triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18.12.1974 - 8.1.1975), đi sâu phân tích, làm rõ thêm so sánh lực lượng giữa ta và địch; đánh giá khả năng can thiệp quân sự của Mỹ; khả năng giành thắng lợi nhanh gọn, triệt để... Lúc này tin quân Giải phóng miền Nam giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tạo thêm bàn đạp uy hiếp từ phía Bắc Sài Gòn.
Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, GS.TS. Phạm Hồng Tung cho rằng, chiến thắng Phước Long có giá trị như “đòn trinh sát chiến lược”, cho thấy rõ khả năng Mỹ sẽ không can thiệp trở lại bằng quân sự; bộc lộ trình độ tác chiến yếu kém của chủ lực Quân đội Sài Gòn, ta có thể giành thắng lợi sớm hơn.
Hội nghị khẳng định: “Thời cơ chiến lược phát triển nhanh chóng đến độ chín muồi” và chính thức hạ quyết tâm chiến lược: “Tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa...”. Nếu thời cơ đến sớm hơn, vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Kế hoạch tác chiến chiến lược chọn Nam Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, với mục tiêu chính là thị xã Buôn Ma Thuột.
Theo GS.TS. Phạm Hồng Tung, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Nhân dân cả nước ra sức chuẩn bị mọi mặt với khí thế hào hùng chưa từng có, hướng tới trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Quân dân ta đẩy mạnh hoạt động, đánh địch khắp nơi, vừa làm cho địch tiếp tục suy yếu và bị động, vừa thực hành nghi binh che giấu ý đồ, mục tiêu tiến công chiến lược của ta.
Trong lúc đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn chủ quan, đánh giá quân giải phóng chưa có khả năng đánh chiếm thị xã, thành phố lớn và nếu có chiếm cũng không giữ được. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhận định hướng tiến công chủ yếu của quân Giải phóng là miền Đông Nam Bộ. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn phán đoán quân Giải phóng đánh mạnh ở hướng Bắc Tây Nguyên, nên dồn lực lượng phòng thủ tại đây. Trong khi ở Nam Tây Nguyên (có thị xã Buôn Ma Thuột) lực lượng địch bị căng mỏng, phòng thủ sơ hở.
Thực tiễn khẳng định, đó là những nhận định, đánh giá sai lầm chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.