Thoát ly ngữ liệu sách giáo khoa: Hạn chế học tủ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ ngày 30/7/2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc đổi mới phương pháp học tập, giảng dạy, ra đề thi, hướng tới việc thoát ly khỏi ngữ liệu SGK. Quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp học sinh rèn luyện tư duy độc lập, tránh tình trạng học vẹt và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đặt ra không ít thách thức cho cả giáo viên và học sinh sau gần một tháng từ khi bước vào năm học mới.
Thay đổi tư duy, hay nhưng khó...
Trước sự thay đổi này, em Lê Thị Yến Nhi, học sinh Trường THPT Phong Châu chia sẻ: “Trước đây, ở bậc THCS, em thường tập trung vào việc học thuộc lòng kiến thức trong SGK nên việc phải tìm kiếm, phân tích, vận dụng kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau làm em cảm thấy bỡ ngỡ. Khó khăn nhất trong việc xác định nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy và hiệu quả. Bởi nếu không có nền tảng kiến thức vững chắc, khi ngồi trong phòng thi, em sẽ khó hiểu được ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, không có khả năng cảm thụ để có bài viết tốt”.
Đề cập đến những khó khăn về phía học sinh, cô Lưu Thị Thanh Hải - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương cho biết, với lứa học sinh sinh năm 2007-2009, các em chưa được tiếp cận chương trình đổi mới ở cấp THCS nên dù đã được chuẩn bị tâm lý nhưng về kỹ năng, kiến thức, các em vẫn còn nhiều hạn chế.
“Các em sẽ cảm thấy mông lung, mơ hồ, nhất là khi ngữ liệu rơi vào những tác phẩm văn xuôi, buộc học sinh phải có mắt đọc, lọc thông tin nhanh, hoàn thành bài thi trong vòng 120 phút. Bên cạnh đó, chương trình SGK hiện nay có những phần kiến thức khá rộng, hàn lâm, để hiểu sâu sắc, buộc các em phải tự học và đọc rất nhiều tài liệu, sách tham khảo.
Với riêng môn Ngữ văn, ở phần viết, yêu cầu viết thêm đoạn văn nghị luận văn học và bài văn nghị luận xã hội, điều này cho thấy chương trình mới không đặt nặng kiến thức mà chỉ tập trung vào kỹ năng, đòi hỏi giáo viên phải dạy tốt mảng khai thác đặc trưng theo thể loại để học sinh không cảm thấy bối rối trước các ngữ liệu chưa từng đọc bao giờ”- cô Hải phân tích.
Theo cô Hải, việc đổi mới là để tránh tình trạng học tủ, học vẹt nhưng đó là với đối tượng học sinh Khá, Giỏi vì chỉ cần có khả năng đọc hiểu, nền tảng kiến thức tốt, có tư duy sẽ nắm phương pháp. Còn với học sinh các lớp đại trà, chỉ có mục tiêu thi tốt nghiệp thì đề thi môn Ngữ văn sẽ là một áp lực, khó khăn lớn với các em.
Đề cập đến những khó khăn về phía giáo viên gặp phải trước sự đổi mới này, cô Phạm Thu Hường - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Thanh Sơn với 18 năm kinh nghiệm giảng dạy cho hay: “Với giáo viên chúng tôi, khó khăn nhất là việc chọn ngữ liệu đảm bảo về nội dung, sự chuẩn mực, phù hợp với đối tượng học sinh. Nếu ngữ liệu không chuẩn thì khi xây dựng câu hỏi sẽ không thể hay và đem lại giá trị như mong muốn.
Còn đối với người ra đề, họ cần sáng tạo, linh hoạt trong việc ra đề, đánh giá. Cần nắm vững kiến thức nền tảng, có vốn kiến thức sâu rộng, khả năng đánh giá chính xác mức độ khó của đề, phù hợp với đối tượng người học, người thi. Đặc biệt, cần phải có kinh nghiệm trong việc lựa chọn nguồn tài liệu uy tín, đảm bảo ngữ liệu chuẩn xác, phong phú giúp xây dựng hệ thống câu hỏi, đáp án chi tiết chính xác”.
Nỗ lực của thầy và trò
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với nhiều đổi mới đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy. Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, trong các giờ học buổi chiều của Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương, giáo viên của trường đã cho học sinh vận dụng đọc hiểu, phân tích các văn bản ngoài SGK ngay sau khi học xong mỗi thể loại.
Tổ bộ môn Ngữ văn của trường còn chú trọng nội dung các chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ, hướng học sinh có thói quen đọc mở rộng, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường. Các giáo viên cũng được tập huấn để hiểu rõ về yêu cầu, phương pháp dạy học phù hợp, xác định rõ mục tiêu dạy học môn Ngữ văn, bảo đảm cung cấp kỹ năng đọc, viết, nói và nghe cho học sinh.
“Chúng tôi nhấn mạnh yêu cầu dạy học theo đặc trưng, bám sát theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, buộc các em học sinh phải tư duy, phát huy đúng yêu cầu của giáo dục đổi mới, lúc này, học sinh là chủ thể của môn học. Chúng tôi sẽ chỉ là người hướng dẫn, cung cấp cho các em những kỹ năng cơ bản để các em tự tin giải quyết vấn đề mà đề thi yêu cầu”- cô Lưu Thị Thanh Hải, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương cho biết thêm.
Ngay từ năm học 2022-2023 khi bắt đầu học chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, Trường THPT Thanh Sơn đã triển khai Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Ban Giám hiệu Trường THPT Thanh Sơn đã đã chỉ đạo Tổ Ngữ văn gồm 9 giáo viên tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Ông Ngô Tùng Lâm- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Sơn cho biết: “Chương trình mới sẽ khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc từ tài liệu, bài mẫu có sẵn một cách máy móc, đồng thời bảo đảm công bằng cho học sinh trên cả nước tham gia thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 khi học sinh học các SGK khác nhau.
Nhà trường đã chỉ đạo nhóm giáo viên Ngữ văn xây dựng ngân hàng đề đúng hình thức, số lượng câu hỏi theo ma trận đề kiểm tra minh họa của Bộ GD&ĐT của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, tránh dùng lại các văn bản có trong SGK làm ngữ liệu nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh học thuộc bài, sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Bên cạnh những bước khó khăn ban đầu, cô Phạm Thu Hường, giáo viên Trường THPT Thanh Sơn cũng bày tỏ, việc đổi mới sẽ phát huy được tính chủ động, năng lực sáng tạo, tư duy mới mẻ ở học sinh, các em sẽ nắm được bản chất của vấn đề thông qua quá trình luyện tập ở nhiều dạng văn bản khác nhau.
“Để đánh thức được trí tưởng tượng, sự sáng tạo và tư duy của các em, bản thân tôi đang sử dụng một số phương pháp tích cực để trong quá trình dạy là: Phương pháp vấn đáp, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp đóng vai (hình thức sân khấu hóa). Bên cạnh đó, còn có một số kỹ thuật dạy học rất hiệu quả như: Kỹ thuật lược đồ tư duy, kỹ thuật mảnh ghép, kỹ thuật động não, kỹ thuật XYZ”.
Việc thoát ly khỏi ngữ liệu SGK là một bước đi đúng đắn, cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Chương trình GDPT 2018 đã kế thừa những thành tựu ở các giai đoạn trước, đồng thời khắc phục những nhược điểm, hạn chế nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Ngoài các mục tiêu chung, môn Ngữ văn cũng đặt ra những mục tiêu đặc thù, riêng biệt, nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong việc chiếm lĩnh tri thức. Đồng thời, tránh được tình trạng sao chép văn mẫu tràn lan trước đây.