Thoang thoảng hương cau

Sáng nay, trên đường đi làm, tôi ghé ngang một cái chợ nhỏ nép bên lề đường. Chợ không lớn, chỉ vài sạp hàng chen chúc dưới mái bạt tạm, thế nhưng lại có đủ đầy những sắc màu và mùi hương của một buổi sáng rằm tháng sáu. Người ta chen chân, người bán người mua rôm rả, tiếng mặc cả, tiếng gọi nhau thân quen như một phần không thể thiếu của phố phường Hà Nội.

Hoa cau.

Hoa cau.

Giữa cái ồn ào tất bật ấy, bỗng một mùi hương thoảng qua khiến tôi chững lại. Một mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết, không nồng nàn mà cứ âm thầm len lỏi, gợi ra cảm giác rất đỗi thân quen. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Trên sạp hoa cạnh lối đi, giữa những bó hoa hồng, hoa mẫu đơn, cúc vàng rực rỡ, là mấy nhánh hoa cau được bó gọn, nằm e ấp như một phần ký ức bất ngờ quay lại giữa phố thị xô bồ.

Hoa cau - loài hoa không lộng lẫy, chẳng phô trương, ấy thế mà mùi hương của nó lại có sức mạnh lay động đến lạ. Thoảng qua rồi vấn vít, nhẹ nhàng rồi da diết, giống như chính lời thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Không thấy hoa / nhưng mùi hương thì biết / cái mùi hương da diết / tiếng gọi thầm / xa hút / một cõi vườn cao vút những thân cau”.

Hương cau gợi tôi nhớ về tuổi thơ, nhớ đến những miền quê xưa cũ, nơi có cây cau thẳng tắp bên góc sân nhà. Cây cau nhà tôi thân nhỏ nhưng cao vút. Dưới gốc là giàn trầu xanh mướt, những sợi dây quấn quýt lấy nhau như cách bà tôi thường nói: “Trầu không có cau như người thiếu bạn”. Bà tôi thích ăn trầu. Mỗi lần nhai, tiếng trầu cắn rôm rốp, nước trầu đỏ quạch nơi khóe miệng, mà nụ cười thì hiền lắm, ấm lắm.

Những ngày hoa cau nở rộ, gió khẽ lay là từng chùm hoa nhỏ li ti rụng xuống. Trái cau non, bé xíu, xanh biếc rơi đầy sân. Chị em tôi thường nhặt cau non chơi bắn bi, bày trò làm hàng quán. Cái thời ấy ngây thơ và giản dị, những niềm vui thật bé nhưng cũng thật đủ đầy.

Nhà bà ngoại tôi còn có 5 cây cau trồng dọc bờ rào. Cây nào cũng cao vút, thẳng như những chiếc đòn gánh cả trời xanh. Tôi nhớ mỗi lần xuống ngoại chơi, sáng sớm thức dậy, mùi cau đã len lỏi khắp gian nhà mái ngói. Bà ngồi nhai trầu, tay xếp lá cẩn thận, đôi mắt nhìn xa xăm mà dịu dàng biết mấy.

Bây giờ, bà đã ở miền mây trắng, căn nhà nhỏ cũng không còn nữa. Mỗi lần bắt gặp mùi hương cau, như sáng nay, là cả một miền ký ức tuổi thơ lại trỗi dậy, từng mảnh ghép hiện về rõ ràng như vừa mới hôm qua. Có bóng mẹ, có giọng bà, có những chiều hè vàng rực tiếng ve. Những thứ tưởng như đã cũ, đã lùi xa vào dĩ vãng, nay lại sống dậy, âm ỉ trong một làn hương.

Cây cau, hoa cau - không chỉ là hình ảnh của miền quê, mà còn là biểu tượng của nếp nhà, của văn hóa Việt. Cau đi vào câu chuyện cưới hỏi, cau theo trầu trong miếng trầu mời khách, cau đứng trong vườn như người lính canh năm tháng, lặng lẽ mà bền bỉ. Cau là nét giản dị, khiêm nhường - cũng như những người phụ nữ tảo tần mà tôi đã từng yêu thương và lớn lên trong vòng tay họ.

Giữa phố thị hôm nay, bắt gặp nhánh hoa cau nơi chợ nhỏ là một điều bất ngờ. Nhưng cũng chính điều bất ngờ ấy nhắc tôi nhớ rằng ký ức không bao giờ mất, chỉ là nằm im ở một góc rất sâu trong lòng. Và đôi khi, chỉ cần một mùi hương, một khoảnh khắc ngắn ngủi, là tất cả sẽ ùa về - như một trò chơi đuổi bắt với thời gian…

Nhờ hương hoa cau thoảng qua trong gió, tôi chợt thấy lòng mình lắng lại. Tôi mua mấy nhánh hoa cau về đặt lên ban thờ gia tiên… Giữa những tất bật của cuộc sống, hóa ra điều khiến ta xao động nhiều khi chỉ là một chút hương quê, một đoạn ký ức cũ, thậm chí rời rạc, và một nỗi nhớ không tên.

Hương Liên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thoang-thoang-huong-cau-10310179.html
Zalo