Thoái vốn và nuôi vốn, chuyện của SCIC

Đà lao dốc của thị trường chứng khoán năm 2022 khiến nhiều thương vụ bán vốn tiềm năng của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) không thành công.

Với vai trò là nhà đầu tư chính phủ, SCIC có thể dẫn dắt dòng chảy đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Với vai trò là nhà đầu tư chính phủ, SCIC có thể dẫn dắt dòng chảy đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Thoái vốn

Hai thương vụ bán vốn lớn của SCIC tưởng như hoàn thành trong năm 2022 nhưng cuối cùng đã phải đem về. Đó là lô 56,9 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần với giá khởi điểm hơn 1.348 tỷ đồng của Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Wiwaseen, mã chứng khoán VIW).

Wiwaseen có vốn điều lệ hơn 580 tỷ đồng, là doanh nghiệp chuyên đầu tư xây dựng và kinh doanh các hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường... Thị giá VIW vào đầu tháng 11/2022 dao động quanh vùng 16.800 đồng/cổ phiếu.

Lô cổ phần này đã được đưa ra đấu giá 2 lần trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), vào ngày 23/9/2022 và ngày 11/11/2022 nhưng đều không thành công.

Tình trạng ế ẩm cũng ra diễn ra với lô 19,5 triệu cổ phần của CTCP Hạ tầng và bất động sản Việt Nam mà SCIC đang nắm giữ. Lô cổ phần trên tương đương 47,56% vốn điều lệ của doanh nghiệp (410 tỷ đồng), giá khởi điểm chào bán là 390 tỷ đồng.

Trước đó, theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, các thương vụ này đều có nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu rất kỹ.

Thông thường, với các nhà đầu tư mua lô lớn như vậy, việc tham gia mua cổ phần để hưởng chênh lệch giá cổ phiếu không phải là mục tiêu. Mục tiêu lớn hơn của họ là tham gia quản trị, tái cấu trúc doanh nghiệp hoặc hướng đến tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu... Tuy nhiên, theo một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này, những khó khăn bất ngờ của nền kinh tế cũng như nguồn vốn của các doanh nghiệp trên thị trường khiến nhà đầu tư thay đổi kế hoạch.

Trên đây là hai thương vụ bán đấu giá cổ phần quy mô lớn nhất trên HNX thực hiện trong tháng 11/2022 và cả hai đều không thành công. Hoạt động chào bán trên thị trường sơ cấp qua kênh đấu giá cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán, theo các số liệu, đã đóng băng kể từ giữa tháng 10/2022, thời điểm thị trường sụt giảm mạnh.

Trước đó, đầu tháng 10/2022, tại HNX, phiên đấu giá bán trọn lô cổ phần CTCP Điện máy do SCIC sở hữu vẫn diễn ra thành công. Tổng khối lượng cổ phiếu chào bán là hơn 6,14 triệu cổ phần với giá khởi điểm là hơn 137 tỷ đồng/lô cổ phần. Số tiền thu được qua phiên đấu giá đạt 276 tỷ đồng, cao hơn gần 139 tỷ đồng so với giá trị tính theo giá khởi điểm.

Thực tế trên cho thấy, diễn biến các phiên thoái vốn Nhà nước của SCIC chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường thứ cấp và môi trường kinh tế vĩ mô trong, ngoài nước. Có lẽ SCIC sẽ phải chờ đợi khá lâu nữa mới có thể bán vốn thành công ở những doanh nghiệp có quy mô như trên.

Theo kế hoạch, năm 2022, SCIC thoái vốn tại 101 doanh nghiệp. Trong danh sách, có nhiều công ty đáng chú ý như CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP), CTCP Nhựa Việt Nam (mã VNP), CTCP Seaprodex (mã SEA), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (mã VEC), CTCP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam (mã QTC), CTCP Tập đoàn Vinacontrol (mã VNC), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 - CTCP (mã FIC), Tổng công ty Thăng Long (mã TTL), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (mã VIW), Tổng công ty Licogi (mã LIC). Diễn biến không thuận lợi trên thị trường chứng khoán thứ cấp đã khiến những thương vụ này bị đình lại.

SCIC đang rà soát lại danh sách các doanh nghiệp thoái vốn, với quan điểm một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả sẽ giữ lại trong danh mục.

Nhìn rộng hơn có thể thấy, việc bán vốn của SCIC thường gắn với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Thị trường tăng trưởng, việc thoái vốn thuận lợi và ngược lại.

Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.

Riêng giai đoạn 2017 - 2021, tổng giá trị bán vốn thu về 23.994 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị thu bán vốn của SCIC từ khi thành lập. Trong đó, có những thương vụ bán vốn tại một số doanh nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao như CTCP Sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng). Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước là 48.319 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị nộp ngân sách nhà nước của SCIC từ khi thành lập đến nay.

Và nuôi vốn

Nhìn vào danh sách thoái vốn năm 2022 của SCIC, không có tên hàng loạt doanh nghiệp lớn như Nhựa Tiền Phong (mã NTP), Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), CTCP FPT (mã FPT), Sabeco (mã SAB), Vinatex (mã VGT), Dược Hậu Giang (mã DHG), Traphaco (mã TRA)… Đây đều là những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả, chia cổ tức cao, thị giá cổ phiếu duy trì ổn định trong năm qua, bất chấp thị trường giảm điểm mạnh.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, SCIC đang rà soát lại danh sách các doanh nghiệp thoái vốn, với quan điểm một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả sẽ giữ lại trong danh mục và không nhất thiết phải thoái vốn.

Bên cạnh việc giữ lại cổ phần ở những doanh nghiệp đầu ngành, chia cổ tức cao, định hướng hoạt động của SCIC trong thời gian tới sẽ chuyển hướng mạnh sang đầu tư.

Trong 17 năm hoạt động, với vai trò là nhà đầu tư chính phủ, SCIC đã tham gia vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế với số tiền giải ngân đầu tư hơn 37.651 tỷ đồng.

Nói về chức năng đầu tư của SCIC, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch SCIC cho biết, theo Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, nhiều lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng được Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm vốn. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương đang được kết chuyển về ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước.

Do đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp doanh nghiệp nhà nước cần bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoặc ứng phó với tình hình khẩn cấp ngoài kế hoạch (như dịch Covid vừa qua) thì sẽ không có nguồn vốn để đầu tư.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có một công cụ, một kênh đầu tư để thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp.

“SCIC với vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, có thể huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án trọng điểm quốc gia”, ông Thành nói.

Về lĩnh vực và dự án đầu tư, SCIC hợp tác đầu tư với một số tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự án trọng điểm của nhà nước có nhu cầu huy động vốn; đầu tư tăng vốn tại một số ngân hàng thương mại; đầu tư bổ sung vốn vào một số doanh nghiệp lớn, đang hoạt động hiệu quả và có tiềm năng trong danh mục của SCIC; góp vốn thành lập quỹ đầu tư với nước ngoài tại Việt Nam; đầu tư trên thị trường tài chính.

Anh Việt

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoai-von-va-nuoi-von-chuyen-cua-scic-post313968.html
Zalo