Thoại Sơn phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương giàu đẹp!
Sau 45 năm tái lập huyện (23/8/1979 - 23/8/2024), bộ mặt nông thôn Thoại Sơn (tỉnh An Giang) thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng lên.
Vươn lên từ khó khăn
Những năm 1980 về trước, mỗi mùa lũ về là đồng đất Thoại Sơn chìm sâu trong nước. Diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là sản xuất lúa mùa nổi 1 vụ, năng suất khoảng 1,2 tấn/ha. Chủ động bàn bạc với dân, đánh giá đúng thực tiễn, Huyện ủy đã đề ra nhiều chủ trương, như: Đột phá về cơ chế khoán trong sản xuất nông nghiệp; đột phá về cơ chế phân phối, lưu thông để cân đối một phần ngân sách; đột phá về cơ chế phân phối lương thực để giải quyết vấn đề ổn định lương thực; từ đó đã thực hiện tốt các chính sách xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Xác định thủy lợi là khâu đột phá, Thoại Sơn đã mở rộng 4 tuyến kênh chính (kênh cấp 1), đào mới hơn 44 tuyến kênh cấp 2 và khoảng 400 tuyến kênh cấp 3 nội đồng. Từ năm 1988 - 1990, toàn bộ 38.000ha đất nông nghiệp được chuyển sang sản xuất lúa 2 vụ, chính thức xóa bỏ diện tích lúa mùa nổi. Sản lượng lương thực của huyện tăng từ 92.000 tấn (năm 1987) lên 312.000 tấn (năm 1990). Liên tục gần 10 năm sau đó (1990 - 1999), Thoại Sơn có diện tích gieo trồng ổn định với hơn 74.000ha, sản lượng lương thực khoảng 370.000 tấn/năm.
Nếu năm 1979 nền kinh tế chủ yếu là thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 85% thì đến nay, tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 46,15%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,16% và thương mại - dịch vụ chiếm 34,69%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn không ngừng được đầu tư và mở rộng với 435km đường nhựa, bê-tông nhựa, 75km đường bê-tông xi-măng, hàng ngàn cầu bê-tông đã kết nối thông suốt đến các xã, thị trấn.
Xây dựng nông thôn mới, đời sống mới
Từ năm 2010, Thoại Sơn đã đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến năm 2018, 14/14 xã của huyện, đạt tỷ lệ 100%, được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM. Và đến năm 2019, huyện Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2018, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM chung của tỉnh.
Không dừng lại ở NTM, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu xây dựng Thoại Sơn đạt chuẩn “Huyện NTM nâng cao” trước năm 2025. Ngay từ cuối năm 2020, toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, là những xã NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh.
Nằm ở vùng Tứ giác Long Xuyên, là địa bàn giáp ranh với TP. Long Xuyên, TP. Cần Thơ và các huyện thuộc tỉnh Kiên Giang; có trục giao thông đường bộ và cả đường thủy có thể kết nối với 3 thành phố lớn là Long Xuyên, Cần Thơ và Rạch Giá, đặc biệt là điểm đấu nối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn.
Cộng với tiềm năng về đất đai còn lớn, tiếp giáp với nhiều vùng nguyên liệu, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh cùng với cảnh quan đa dạng, phong phú thuận lợi cho phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đây là tiền đề quan trọng để Thoại Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, các cấp lãnh đạo của huyện và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm đến các chương trình xã hội mang tính nhân văn. Đến nay, đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp trên 57 tỷ đồng, để thành lập 31 nguồn quỹ trên địa bàn huyện. Đời sống văn hóa và tinh thần người dân này càng nâng cao. Toàn huyện có 23 Quỹ Khuyến học - khuyến tài với kinh phí vận động được hơn 23 tỷ đồng. Thông qua các Quỹ Khuyến học - khuyến tài đã giúp hàng ngàn học sinh khó khăn được đến trường và học đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, nguồn quỹ còn hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất và động viên giáo viên vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng dạy và học.
Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang được Chủ tịch nước phong tặng 2 danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (năm 2000) và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009). Đến năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 40 năm tái lập huyện (1979 - 2019), Thoại Sơn xuất sắc là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và vinh dự đón bằng công nhận huyện NTM của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cũng là huyện đầu tiên của cả nước đạt được cả 3 danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và huyện đạt chuẩn NTM. Với những danh hiệu cao quý đó, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ để giữ vững và phát huy truyền thống quê hương anh hùng.
Trong Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXIII/2024, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm khẳng định: “Những thành tựu đáng tự hào gặt hái được hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà bắt nguồn từ tính cách luôn coi trọng đạo nghĩa của con người Thoại Sơn, biết trân trọng, tri ân, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của tiền nhân cũng như những thế hệ cha anh đi trước, đồng thời luôn đoàn kết một lòng với ý chí khát vọng, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ.
Trên tinh thần đó, Thoại Sơn đang tự tin hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng. Mặc dù, chặng đường phía trước còn không ít gian nan, thử thách, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn luôn nguyện kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại”.
Dự kiến ngày 6/9/2024, An Giang sẽ tổ chức Lễ công bố huyện Thoại Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, Thoại Sơn là một trong 8 huyện trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Đây là kết quả rất phấn khởi, đáng tự hào với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Thoại Sơn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 là sự kiện cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng, là công trình hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XII (nhiệm kỳ 2025 - 2030).