Thỏa thuận lịch sử về phòng chống biến đổi khí hậu có thực sự hiệu quả?
Thỏa thuận này là một trong những nỗ lực nhằm giúp các quốc gia nghèo vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu.
Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (COP29), diễn ra tại Baku, Azerbaijan, đã đạt được thỏa thuận về việc hỗ trợ 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo đến năm 2035 để giúp họ đối phó với hậu quả ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Thỏa thuận tài chính mới, được gọi là “Mục tiêu định lượng tập thể về tài chính khí hậu” (NCQG), hướng đến việc hỗ trợ các quốc gia gia nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, giảm phát khí thải nhà kính và bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách này đối với với toàn nhân loại, Tổng thư ký điều hành của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell cho rằng nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu các nước giàu có thực hiện đầy đủ cam kết.
Các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo và các quốc đảo nhỏ, đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, như: nước biển dâng đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân sống ở khu vực biển ven biển và các đảo nhỏ, thiên tai gia tăng hay thiếu nguồn lực về tài chính và công nghệ để ứng phó với thiên tai.
Việc hỗ trợ tài chính là cách để các quốc gia giàu có, vốn thải ra phần lớn khí thải nhà kính, bồi thường cho các nước nghèo đang phải gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu. Thỏa thuận cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C.
Theo các chuyên gia về khí hậu, nếu được triển khai đúng cách, thỏa thuận 300 tỷ USD sẽ mang đến những tác động to lớn, chẳng hạn như: tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai, đảm bảo an ninh thực lương và bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương, thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua các khoản đầu tư vào điện mặt trời, điện gió và các công nghệ sạch khác, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Đây cũng là cách để thúc đẩy sự phối hợp giữa khu vực tư nhân, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đối với nhiệm vụ hạn chế thách thức từ biến đổi khí hậu.
Các nước đang phát triển, như Quần đảo Marshall, hoan nghênh thỏa thuận này, xem đây là một bước đi quan trọng để giảm bớt tổn thương trước biến đổi khí hậu. Nhiều tổ chức môi trường chuyên nghiệp cho rằng thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự phát tiển của năng lượng tái tạo và giảm thiểu khí thải nhà kính.
Trong khi đó, đại diện đàm phán Ấn Độ Chandni Raina cho rằng mức cam kết này chưa đủ để giải quyết những thách thức khí hậu có quy mô toàn cầu.
“Tôi cảm thấy thất vọng. Con số này thấp hơn quá nhiều so với mức mà chúng tôi đã đấu tranh bấy lâu nay. Chúng tôi xin chia buồn với tất cả các quốc gia cảm thấy như họ đã bị chà đạp” - ông Juan Carlos Monterrey thuộc phái đoàn Panama cho biết.
Còn theo một số chuyên gia, thỏa thuận không nêu rõ cách thực hiện các cam kết từ COP28 về chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, việc triển khai thỏa thuận 300 tỷ USD vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều người lo ngại về tính khả thi của thỏa thuận mới này do các quốc gia phát triển từng chậm tiến độ trong việc đạt các mục tiêu tài chính trước đây. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, như xung đột Nga-Ukraine và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến các chính sách dành cho biến đổi khí hậu. Không những vậy, việc thiếu cơ chế giám sát đối với nguồn tài chính hỗ trợ cũng đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm.
Thỏa thuận hỗ trợ 300 tỷ USD tại COP29 là một bước tiến lớn trong nỗ lực hướng tới các mục tiêu về khí hậu. Dù còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thỏa thuận này mang lại hy vọng cho các quốc gia nghèo trong bối cảnh những thách thức về khí hậu ngày càng trầm trọng.