Thổ Nhĩ Kỳ có 'tức nước vỡ bờ' với Israel?

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực cô lập ngoại giao Israel trên trường quốc tế thông qua việc kêu gọi đoàn kết giữa các quốc gia Hồi giáo để đối phó hành động của Israel ở Dải Gaza.

Lễ tang của nhà hoạt động xã hội người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Aysenur Ezgi Eygi diễn ra tại TP Didim (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 14-9 trong sự tham dự và tiếc thương của hàng nghìn người dân nước này. Cô Ezgi Eygi - 26 tuổi, một thành viên của Phong trào Đoàn kết quốc tế (ISM) - đã thiệt mạng sau khi bị lực lượng an ninh Israel bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ở Bờ Tây nhằm phản đối việc mở rộng các khu định cư Do Thái ở khu vực này hôm 6-9.

Vụ việc của cô Ezgi Eygi làm gia tăng thêm tình trạng căng thẳng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đã xấu đi nghiêm trọng sau khi cuộc xung đột giữa Israel-Hamas bùng nổ.

Thổ Nhĩ Kỳ làm căng Israel

Thổ Nhĩ Kỳ lên án gay gắt việc Israel gây ra cái chết của cô Ezgi Eygi. Tuần rồi, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang điều tra cái chết của nhà hoạt động xã hội trên và thúc đẩy Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: CGTN

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: CGTN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ đảm bảo “cái chết của Aysenur Ezgi sẽ không bị phớt lờ”, cho biết Ankara “sẽ tiếp tục làm việc trên mọi nền tảng để ngăn chặn chính sách chiếm đóng và diệt chủng của Israel”. Trong khi đó, Chủ tịch quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nhấn mạnh rằng Ankara “sẽ truy cứu trách nhiệm những kẻ giết cô ấy tại các tòa án quốc tế” và trách nhiệm về vụ việc trên “thuộc về Israel và những người ủng hộ họ”. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Yilmaz Tunc cho hay sẽ yêu cầu lệnh truy nã đỏ từ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đối với những người Israel chịu trách nhiệm về cái chết của cô Ezgi Eygi.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc xung đột Israel-Hamas kéo dài gần một năm, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cùng hợp tác đối phó Israel. Đầu tháng 9 qua, Tổng thống Erdogan kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn hơn giữa các quốc gia Hồi giáo để đối phó "mối đe dọa đang gia tăng của chủ nghĩa bành trướng" đến từ Israel, theo hãng tin Reuters.

Ông Erdogan kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia Hồi giáo họp ở cấp lãnh đạo "mà không chậm trễ thêm nữa" để giúp bảo vệ người Palestine và Jerusalem trước các cuộc tấn công của Israel. “Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) có nhiệm vụ bảo vệ sự chính nghĩa của Jerusalem, không thể thờ ơ trước những cuộc tấn công ngày càng táo bạo này. Tổ chức này cần phải họp cấp lãnh đạo ngay lập tức và thể hiện lập trường quyết đoán của thế giới Hồi giáo” - tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu quan điểm.

Tại cuộc họp lần thứ 162 của Hội đồng Bộ trưởng Liên đoàn Ả Rập hôm 10-9 tại Ai Cập, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã kêu gọi đoàn kết chống lại Israel trong khi chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cuộc xung đột ở Gaza. Đây là lần đầu tiên sau 13 năm Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc họp này, theo tờ Al-Monitor.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ vụ kiện của Nam Phi lên Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc Israel diệt chủng người dân Palestine ở Dải Gaza. Hồi tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ dừng mọi hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu với Israel sau 3 tháng nữa (tức đến tháng 8), viện dẫn “thảm kịch nhân đạo tồi tệ” ở các lãnh thổ Palestine. Ankara cũng ngăn chặn hợp tác giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Israel kể từ tháng 10 vì cuộc chiến ở Gaza và cho rằng liên minh này không nên hợp tác với Israel như một đối tác cho đến khi xung đột kết thúc.

“Nếu [chúng ta] mạnh hơn, Israel không thể làm những gì họ đang làm ở Palestine hiện nay. Giống như [khi] chúng ta tiến vào Karabakh, giống như [khi] chúng ta tiến vào Libya, chúng ta có thể làm [điều gì đó] tương tự với họ. Không có lý do gì khiến chúng ta không thể làm điều này. Chúng ta phải mạnh mẽ để có thể thực hiện những bước đi này” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong một cuộc họp của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.

Thổ Nhĩ Kỳ-Israel: Có thể cứu vãn quan hệ?

Theo tờ Jerusalem Post, việc Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi sự đoàn kết giữa các nước Hồi giáo là một phần mục tiêu rộng lớn hơn nhằm củng cố vị thế của nước này với tư cách là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng Liên đoàn Ả Rập và OIC để thúc đẩy một mặt trận thống nhất chống lại Israel.

 Người dân Gaza ở TP Khan Younis hồi tháng 7. Ảnh: REUTERS

Người dân Gaza ở TP Khan Younis hồi tháng 7. Ảnh: REUTERS

Dù vậy, theo nhà nghiên cứu Serhan Afacan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Iran (Thổ Nhĩ Kỳ), mặc dù Tổng thống Erdogan “dường như muốn đốt cháy những cây cầu với Israel” nhưng Thổ Nhĩ Kỳ rất lo ngại xảy ra xung đột lớn trong khu vực. Một cuộc chiến tranh khu vực sẽ kéo theo sự tham gia của Iran và các lực lượng ủy nhiệm sẽ có thể tàn phá nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, đóng cửa các tuyến đường thương mại và dẫn đến một làn sóng người tị nạn mới tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tờ The Economist, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel không phải là không thể cải thiện. Mặc dù thương mại giữa hai nước bị gián đoạn, nhưng vẫn có quá nhiều lợi ích mà hai bên không thể hy sinh hoàn toàn. The Economist lưu ý đến việc Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu thêm 3 tháng. Trong thời gian này các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục xuất khẩu hàng hóa tới Israel dưới danh nghĩa sử dụng các cảng của Israel để chuyển đến Chính quyền Palestine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho phép các công ty tiếp tục giao dịch với Israel thông qua các nước thứ ba. Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép đồng minh Azerbaijan tiếp tục xuất khẩu dầu thô sang Israel thông qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan. Sự linh hoạt này cho thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảo ngược lập trường của mình nếu chính phủ Israel thay đổi hoặc nếu Israel thống nhất thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza với Hamas.

Về phía Israel, trong tương lai, Israel có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ - một trung tâm năng lượng đang nổi lên - để vận chuyển khí gas ngoài khơi của Israel tới châu Âu.

Tóm lại, việc bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vẫn là một khả năng, chủ yếu do ảnh hưởng bên ngoài từ các đồng minh chủ chốt như Azerbaijan và Mỹ - những bên có lợi ích trong việc duy trì sự ổn định và hợp tác trong khu vực. Đặc biệt, Azerbaijan đang nỗ lực cho một hiệp ước ba bên với Israel và Thổ Nhĩ Kỳ và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết lập quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel trong quá khứ, theo tạp chí Australian Institute of International Affairs.

Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự chống lại Israel?

Theo tạp chí Australian Institute of International Affairs, một số phương tiện truyền thông suy đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ có hành động quân sự chống lại Israel. Nếu trường hợp này xảy ra thì khả năng cao là sẽ có sự tham gia của các lực lượng ủy nhiệm hoặc các nhóm Hồi giáo Sunni ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ thay vì sự can dự trực tiếp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ thiếu ý chí chính trị để tăng cường sự tham gia của nước này vào cuộc xung đột Israel-Hamas mặc dù có sự gia tăng ủng hộ trong nước đối với người Palestine. Ngoài ra, những rủi ro liên quan việc can dự trực tiếp, chẳng hạn như phản ứng dữ dội của quốc tế và hậu quả kinh tế, lớn hơn nhiều so với những lợi ích tiềm tàng.

Do đó, việc Tổng thống Erdogan từng nhắc đến hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya và Nagorno-Karabakh, thay vì các hành động quân sự hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria hoặc Iraq, cho thấy rằng Ankara không có kế hoạch cụ thể nào cho sự can thiệp.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tho-nhi-ky-co-tuc-nuoc-vo-bo-voi-israel-post810214.html
Zalo