Thịt 'xiên bẩn' 2.000 đồng tràn đường phố, bủa vây trường học
Các sản phẩm 'xiên bẩn' được chiên ngập dầu, với giá chỉ từ 2.000 đồng đang tràn đường phố, bủa vây trường học, là nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng, an toàn sức khỏe của học sinh, sinh viên.
"Cứ nhập loại cận date, không tem mác là lợi nhuận cao"
Dạo qua các trường, từ tiểu học, THCS, PTTH đến các trường đại học tại Hà Nội, thấy ngay những chiếc xe bán "xiên bẩn" - một thuật ngữ chỉ các xiên như thịt xiên nướng, các loại viên tôm, gà, cá viên chiên, hải sản, thanh cua, đậu hũ phô mai... bày tràn ngập trên những chiếc xe đậu vỉa hè đầu cổng trường.

Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn thực phẩm "bẩn" như: Xúc xích, lạp xưởng, há cảo, viên thả lẩu, được dùng phổ biến trong các món ăn vỉa hè.
Em Yến, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Ngay trước cổng trường em có rất nhiều hàng thịt xiên nướng, xúc xích và chân gà. Mùi thơm từ những món ăn này thật hấp dẫn và đa dạng màu sắc. Thỉnh thoảng, em và các bạn thường rủ nhau ra đây ăn, quán lúc nào cũng đông khách. Còn có đảm bảo vệ sinh thực phẩm hay nguồn gốc xuất xứ, em không rõ, chỉ thấy đồ ăn ngon và giá cả hợp lý".
Ngày 24/4, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ số lượng lớn thực phẩm "bẩn" như: Xúc xích, lạp xưởng, há cảo, viên thả lẩu, thanh cua được dùng phổ biến trong các món ăn vỉa hè tại một kho đông lạnh nằm trong ngõ 328 đường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo quan sát của phóng viên, các loại xiên rất đa dạng, bắt mắt và hương vị hấp dẫn với mức giá chỉ từ 2.000 – 15.000 đồng/xiên. Sản phẩm được chiên rán trong những chảo dầu đen kịt, giá rẻ hơn nhiều so với các món ăn tại nhà hàng hoặc quán ăn cố định, phục vụ nhiều khẩu vị khác nhau như mặn, ngọt, cay và chua.
Chị Hà, một người bán hàng tại phường Bách Khoa (Hà Nội), cho biết: "Mỗi ngày, tôi bán khoảng 1.000 xiên. Mỗi xiên có giá từ 2.000 - 15.000 đồng, khách thường mua ít nhất 10 xiên. Khi đông khách, họ còn mua cả về nhà, nóng hổi luôn.
Khách cũng thường tìm mua các loại thực phẩm đã qua sơ chế và đóng gói sẵn như thịt xiên, viên thả lẩu, viên chiên, viên cua hoàng đế, dồi sụn, xúc xích, chân gà, cánh gà… Tất cả đều được bảo quản trong ngăn đông lạnh và tôi có thể cung cấp theo số lượng khách cần".
Tuy nhiên, "xiên bẩn" thường được làm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không loại trừ từ thịt ôi thiu; bảo quản bằng đông lạnh không đảm bảo. Để khắc phục mùi ôi thiu, các nhà cung cấp có thể sử dụng vô tội vạ hương vị nhân tạo, các phụ gia, phẩm màu và gia vị giá rẻ. Dầu chiên cũng thường xuyên được tái sử dụng, sản sinh ra các chất gây hại cho sức khỏe.

Các loại thịt xiên, viên xiên... được bày bán trên vỉa hè, thu hút giới trẻ bằng màu sắc bắt mắt.
Vào vai khách hàng, PV trò chuyện với chủ xe kinh doanh "xiên bẩn". Song hầu hết né tránh và trả lời qua loa về nguồn gốc nguyên liệu và cho biết, họ chỉ nhập hàng từ nguồn cung cấp giá rẻ mà không rõ nhà sản xuất. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ cao và để duy trì lợi nhuận, họ buộc phải lựa chọn nguồn hàng giá rẻ để cạnh tranh trên thị trường.
Tại vỉa hè tại Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), PV ghé vào một cửa hàng bán xiên nướng, vào vai người muốn mở quán buffet nướng. Sau một cuộc trò chuyện thân tình với chủ quán, chúng tôi đã dò hỏi về nguồn cung cấp nguyên liệu. Người phụ nữ thẳng thắn đáp: "Cứ nhập những loại cận date, không tem mác giá rẻ là lợi nhuận cao".
Mặc dù thịt xiên là món ăn phổ biến, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng này lại không tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quá trình chế biến thường diễn ra tại những nơi vỉa hè bụi bặm, thiếu vệ sinh dễ dàng nhiễm khuẩn.
Bảo vệ trẻ em khỏi thực phẩm bẩn, cách nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD), cần đẩy mạnh công tác truyền thông tại cổng trường để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm nơi cổng trường và vỉa hè.

Thịt xiên, viên xiên... được bày bán trên đường phố, không có phương tiện che chắn bụi bặm.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt nhiệm vụ về an ninh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nên khuyến khích cha mẹ cho trẻ ăn tại nhà trước khi đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên khuyến cáo học sinh tránh ăn thức ăn đường phố, đặc biệt từ các quầy hàng bán rong, và nếu có ăn thì hãy chọn những cửa hàng uy tín với thực phẩm có bao bì và nhãn mác rõ ràng.
"Nguy cơ từ "thịt xiên bẩn" không chỉ gây ra ngộ độc thực phẩm mà còn dẫn đến các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng, thông thái khi lựa chọn thực phẩm. Để bảo vệ sức khỏe bản thân, hãy ưu tiên chọn những cơ sở kinh doanh uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc và luôn chú ý đến nơi chế biến để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng", ông An nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, bà Hoàng Thị Tuyết Lan, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa, cho biết: Phường sẽ kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm để đảm bảo thực hiện đúng quy định. Các cơ sở kinh doanh thịt xiên phải cung cấp nguyên liệu rõ nguồn gốc xuất xứ và còn hạn sử dụng. Việc sử dụng phụ gia cũng phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và công khai minh bạch thông tin xử lý để đảm bảo tính răn đe. Đồng thời, phường cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, không chỉ tại khu vực trường học mà còn trên toàn bộ địa bàn phường", bà Lan nói.