Thiếu thầy cô, thiếu trang thiết bị dạy học: Giáo dục vùng cao bộn bề khó khăn

Lãnh đạo nhiều trường học bày tỏ lo lắng khó đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT mới khi hiện nay 'cái gì cũng thiếu'.

Tính tới nay, thầy và trò cả nước đã bước vào năm học thứ 3 ngành giáo dục chính thức áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn ngổn ngang từ thiếu trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất,...

Điều này đang đặt ra những thách thức lớn lao cho ngành giáo dục nước ta trong công cuộc đổi mới hiện nay. Và có lẽ, để đạt được mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh theo định hướng chương trình mới vẫn còn là một hành trình dài đầy gian nan.

Nhiều thách thức đặt ra với học sinh vùng cao

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lương Thị Ngọc - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) cho biết, hiện nay trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của học sinh lớp 10 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa có đầy đủ.

Để đảm bảo việc dạy và học vẫn đạt hiệu quả tốt nhất trong điều kiện thiếu thiết bị, cô Ngọc cho biết các thầy cô giáo cho học sinh được thực hành chủ yếu qua cách mô phỏng. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích các thầy cô giáo sáng tạo trong cách giảng dạy, tự chế thêm các đồ dùng học tập khác để tạo tính tương tác, giúp học sinh hứng thú và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

Bên cạnh những khó khăn, trường trung học phổ thông Mèo Vạc cũng đang tích cực đổi mới dạy và học trong mọi điều kiện. Trong ảnh là giờ sinh hoạt tại một lớp học của nhà trường với hình thức mới là một buổi trao đổi, chia sẻ giữa thầy cô giáo và học sinh. Ảnh: Fanpage nhà trường

Bên cạnh những khó khăn, trường trung học phổ thông Mèo Vạc cũng đang tích cực đổi mới dạy và học trong mọi điều kiện. Trong ảnh là giờ sinh hoạt tại một lớp học của nhà trường với hình thức mới là một buổi trao đổi, chia sẻ giữa thầy cô giáo và học sinh. Ảnh: Fanpage nhà trường

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Mèo Vạc chia sẻ: “Yếu tố quyết định tới chất lượng dạy học tất nhiên là các thầy cô giáo, tuy nhiên để đảm bảo chất lượng thì các trang thiết bị dạy học chính là phương tiện quan trọng không thể thiếu và xem nhẹ được.

Theo đó, việc dạy học qua hình thức mô phỏng chắc chắn không thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài thiếu trang thiết bị, theo cô Ngọc, hiện nay đội ngũ giáo viên của nhà trường hiện vẫn đang còn thiếu 3 biên chế, bao gồm: Giáo viên môn Giáo dục Quốc phòng, môn Tiếng Anh và môn Ngữ văn.

Tình trạng này đã kéo dài 2 năm qua. Được biết, hiện để đáp ứng việc dạy học, nhà trường vẫn đang tiến hành hợp đồng giáo viên, kết hợp với việc động viên đội ngũ thầy cô giáo cơ hữu của trường dạy thêm một số tiết.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, theo cô Ngọc là do thiếu chỉ tiêu biên chế. Thời gian tới, ngành Giáo dục Hà Giang sẽ có đợt tuyển dụng mới, tuy nhiên cô Ngọc chia sẻ, khối trung học phổ thông chỉ có 10 chỉ tiêu nên khó để đảm bảo bổ sung đầy đủ đội ngũ giáo viên cho các trường trên địa bàn.

Chia sẻ với phóng viên, cô Ngọc cho biết đây cũng là khó khăn chung của ngành, vì vậy tập thể thầy cô giáo và học sinh trường trung học phổ thông Mèo Vạc đang nỗ lực hết mình để khắc phục khó khăn, thích ứng với mọi điều kiện dạy và học.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn đối với học sinh trường trung học phổ thông Mèo Vạc trong việc tiếp cận chương trình mới chính là việc tiếp cận kiến thức mới của các em có phần hạn chế. Theo cô hiệu trưởng, đặc điểm của học sinh nhà trường là các em ở vùng cao, học sinh được xét tuyển vào chứ không phải thi tuyển. Rất nhiều em mặc dù lên lớp, tuy nhiên kiến thức ở các cấp học dưới bị hổng rất nhiều; do đó với hầu hết các em học sinh vùng cao, kiến thức Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhìn chung khá nặng.

Không chỉ vậy, đội ngũ giáo viên của trường cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị bài giảng vì kiến thức nặng, rất khó khăn để truyền tải hết trong thời gian ngắn 45 phút ở lớp. Chưa kể, nhiều nội dung ở chương trình mới có điểm khác biệt với chương trình cũ (ví dụ như các tên gọi của một số chất trong Hóa học,...) gây khó khăn cho cả giáo viên và các em học sinh khi các em vừa học chương trình giáo dục phổ thông cũ ở lớp 9.

Kiến nghị sớm hoàn thiện đội ngũ giáo viên và cấp đầy đủ thiết bị dạy học

Vừa dạy vừa “mò mẫm” cũng là tình trạng chung của nhiều trường học khác trên cả nước trong bối cảnh những năm đầu đổi mới giáo dục hiện nay. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Sùng Quang Thành - Hiệu trưởng trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Xín Mần (tỉnh Hà Giang) cho biết, khó khăn lớn nhất của trường hiện nay chính là việc thiếu đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, các trang thiết bị cho học sinh lớp 10 gần như thiếu toàn bộ.

Thầy Thành cho biết, nhà trường hiện đang có 436 học sinh và 21 thầy cô giáo cơ hữu. Hiện trường còn thiếu 5 biên chế. Do đặc điểm là trường miền núi khó khăn, do đó việc tuyển dụng giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trước đây Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã phải tiến hành điều động, biệt phái giáo viên đến dạy. May mắn năm học này nhà trường đã hợp đồng đủ 5 biên chế còn thiếu, do đó Sở Giáo dục và Đào tạo đã rút các giáo viên biệt phái quay trở về.

Thực hiện theo chương trình mới, ở bậc trung học cơ sở có bộ môn Khoa học tự nhiên (xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lý, Hóa học, Sinh học), hiện với môn học này nhà trường cũng chưa có giáo viên có năng lực để đảm nhận dạy. Do vậy, theo thầy Thành, hiện trường vẫn đang phân công cho 3 giáo viên dạy 3 phân môn của môn học mới này.

Về thiết bị dạy học, chia sẻ với phóng viên, thầy Thành cho biết, trong điều kiện thiếu thiết bị, nhà trường chủ yếu cho học sinh học qua hình thức mô phỏng là chủ yếu.

Tuy nhiên, theo chương trình mới, học sinh phải được học từ thực nghiệm từ đó mới có cơ sở rút ra kết luận như môn Khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở), môn Vật lý, Hóa học, Sinh học… (lớp 10 bậc trung học phổ thông). Hay đối với môn học xã hội cần phải có nhiều tranh ảnh, minh họa.

Do vậy, với việc dạy chay, học chay như hiện nay, theo thầy Thành sẽ chỉ giúp giải quyết được khó khăn trước mắt, tuy nhiên về lâu dài sẽ rất thiệt thòi cho các em học sinh khi không thể trải nghiệm, thực hành trong thực tế.

Trước những khó khăn như vậy, lãnh đạo hai cơ sở giáo dục đều bày tỏ mong muốn sớm được bổ sung kịp thời các trang thiết bị, cơ sở vật chất để thầy và trò yên tâm dạy học, từ đó mới có thể có cơ sở để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, hai vị hiệu trưởng cũng kiến nghị sớm bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên để các cơ sở giáo dục có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bắc Sơn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thieu-thay-co-thieu-trang-thiet-bi-day-hoc-giao-duc-vung-cao-bon-be-kho-khan-post231291.gd
Zalo