Thiếu tên lửa, Ukraine chật vật đối phó đòn tấn công dồn dập từ Nga
Giữa lúc kho tên lửa phòng không cạn kiệt và khoản viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ ngày càng bấp bênh, Ukraine đang phải vật lộn tìm cách bảo vệ bầu trời.
Mối lo ngại gia tăng khi Nga mở rộng các cuộc không kích kết hợp giữa tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) trên khắp lãnh thổ Ukraine, nhằm áp đảo hệ thống phòng không đối phương. Chia sẻ với tờ Kyiv Independent, một nguồn tin trong Không quân Ukraine nhấn mạnh, các thành phố của Ukraine bao gồm cả Kiev "chắc chắn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tên lửa phòng không".

Hiện trường một cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga vào Kiev. Ảnh: AA
Theo chuyên gia hàng không Ukraine Anatolii Khrapchynskyi, Nga đã "thay đổi hoàn toàn" chiến thuật khi tấn công miền trung Ukraine bằng tên lửa đạn đạo, thay vì tên lửa hành trình như Iskander. "Đây chính là một cấp độ đe dọa hoàn toàn khác", ông Khrapchynskyi nhận định.
Kiev hiện vẫn là thành phố được bảo vệ tốt nhất ở Ukraine nhờ sự xuất hiện của các hệ thống phòng không phương Tây uy tín nhất. Song, chính sách chưa rõ ràng của Mỹ trong tương lai và tình trạng thiếu hụt tên lửa phòng không trên toàn thế giới có thể ảnh hưởng đến khả năng phòng không trên khắp lãnh thổ Ukraine, kể cả khu vực thủ đô.
Trong số các tên lửa phòng không của phương Tây sở hữu năng lực mạnh nhất đang bảo vệ bầu trời Kiev có hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Washington từng xác nhận Patriot đã được sử dụng để lần đầu tiên bắn hạ tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal của Nga vào tháng 5/2023.
Sự xuất hiện của các hệ thống Patriot đã trở thành bước ngoặt đối với Ukraine, vì không quân nước này từng phải dựa vào các phiên bản có từ thời Liên Xô cũ để bắn hạ mục tiêu trên không.
Theo tờ New York Times, Ukraine hiện chỉ có 8 hệ thống Patriot và 2 hệ thống trong số đó đang không được đưa vào sử dụng. Một hệ thống Patriot bổ sung đang trên đường vận chuyển từ Israel đến Ukraine.
Hồi tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này sẵn sàng mua thêm các hệ thống phòng không để bảo vệ bầu trời tốt hơn.
Ukraine cần bao nhiêu hệ thống Patriot?
Theo giới chuyên gia quân sự, số lượng thiết bị và đạn dược có hạn trong quá trình dùng Patriot để chống lại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình buộc Ukraine phải sử dụng tiết kiệm ngay cả khi Kiev bị tấn công dữ dội.
Chuyên gia hàng không Ukraine Kostiantyn Kryvolap tin, Ukraine phải di chuyển 6 hệ thống Patriot đang hoạt động trên khắp lãnh thổ để bảo vệ bầu trời khỏi tên lửa và UAV Nga. Cũng theo ông, Ukraine cần ít nhất 2 hệ thống Patriot cho mỗi thành phố lớn như Kiev, Lviv và Dnipro.

Hệ thống Patriot khai hỏa. Ảnh: ZUMA Press
Trong quá trình kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây, Tổng thống Zelensky đã nhiều lần yêu cầu được nhận thêm hệ thống Patriot và đạn dược đi kèm. Hiện tại, chi tiết về kho tên lửa còn lại của Ukraine vẫn là ẩn số, bởi Kiev xem đây là thông tin mật nhằm đảm bảo an ninh hoạt động.
Thực tế, tình trạng thiếu tên lửa Patriot vẫn tiếp diễn trên toàn thế giới, do việc sản xuất phức tạp và tốn kém. Ông Kryvolap lưu ý, nhà sản xuất Mỹ Lockheed Martin chỉ có thể chế tạo khoảng 500 tên lửa/năm. Dù số tên lửa này được chuyển hết cho Ukraine, nước này cũng không đủ dùng trong cuộc xung đột với Nga. Ông Kryvolap nhấn mạnh thêm, cần ít nhất 2 hai tên lửa Patriot để đánh chặn một tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, Nga liên tục nỗ lực cải tiến tên lửa đạn đạo, tạo ra thêm những thách thức cho Ukraine. "Đối phương vẫn đang hiện đại hóa tên lửa đạn đạo", phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết hồi tháng 4.
Chuyên gia hàng không Khrapchynskyi cho hay, tình trạng thiếu hụt tên lửa đánh chặn đã trở nên "nghiêm trọng" vào năm 2024, thời điểm phương Tây chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ trong khi Nga lại triển khai chiến thuật kết hợp mới bằng cách sử dụng UAV Shahed, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal cùng các tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-555.
Theo ông Khrapchynskyi, Ukraine sẽ cần ít nhất 8 - 9 khẩu đội Patriot, trong đó ít nhất 3 khẩu đội chỉ dành riêng cho khu vực Kiev. Chuyên gia này nhận định, số lượng lớn các cuộc tấn công "phức tạp, nhanh và thường xuyên được nâng cấp" bằng tên lửa đạn đạo của Nga đang đẩy Ukraine vào tình thế ngày càng khó khăn, nhất là khi vẫn tồn tại nguy cơ Mỹ có thể cắt viện trợ quân sự cho Kiev lần nữa.
Ông John Hardie, phó giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Washington, nhấn mạnh khả năng phòng không của Ukraine có thể sẽ là năng lực chiến đấu đầu tiên bị ảnh hưởng nếu Mỹ cắt viện trợ quân sự, và điều này có thể xảy ra "trong vài tuần nữa".
Còn theo nhà phân tích quân sự người Ba Lan Konrad Myzyka, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Nga tiến hành một chiến dịch tấn công bằng tên lửa kéo dài và liên tục vào Kiev như phóng 10 - 30 tên lửa mỗi ngày trong vài tuần, trong các khoảng thời gian ngắn từ các khu vực ở phía bắc như vùng Bryansk hoặc Belarus. Ông Myzyka dự đoán tỷ lệ đánh chặn tên lửa đạn đạo của Kiev sẽ giảm, nếu Nga có thể làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine.