Thiếu liên kết - rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nội lực yếu, ngành công nghiệp hỗ trợ hiện gặp khó từ rào cản về sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thời gian qua, Cục Công nghiệp đã triển khai những giải pháp gì hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu?

Ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Với chức năng hỗ trợ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trong việc quản lý nhà nước về ngành công nghiệp, thực hiện các hoạt động dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành công nghiệp và triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể:

Thứ nhất, chúng tôi luôn hỗ trợ đào tạo để nâng cao tay nghề và kỹ năng cho các kỹ thuật viên các doanh nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với tập đoàn Samsung Việt Nam đào tạo gần 200 kỹ sư về khuôn mẫu; phối hợp với các tổ chức, đơn vị quốc tế khác như KITECH (Hàn Quốc), CGS (Nhật Bản) đào tạo công nghệ thiết kế, gia công và đo kiểm CAD/CAM/CNC cho hơn 150 doanh nghiệp, với hơn 300 học viên tham gia.

Thứ hai, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp về trang thiết bị máy móc cũng như việc gia công, thiết bị đo kiểm, dịch vụ đo kiểm và chế tạo thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp mới.

Thứ ba, Trung tâm liên tục hỗ trợ đổi mới sáng tạo như tổ chức tư vấn cho 36 doanh nghiệp khu vực phía Bắc triển khai giải pháp nhà máy thông minh.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo tư vấn kết nối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức tư vấn cải tiến sản xuất cho các doanh nghiệp. Đến hiện tại đã tư vấn cho khoảng gần 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may – da giày và công nghệ cao.

Thứ năm, Trung tâm đã hỗ trợ gần 700 doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm Quốc tế thường niên về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ (VIMEXPO) do Bộ Công Thương giao Cục Công nghiệp chủ trì và chỉ đạo tổ chức.

Ngoài ra, hàng năm Trung tâm tiến hành hỗ trợ từ 30-40 doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng năm 2024 đã tiếp tục hỗ trợ 12 doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm M-Tex Osaka tại thị trường Nhật Bản.

Đặc biệt, Trung tâm thường xuyên duy trì và cập nhật cổng thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đến nay đã có thông tin của hơn 7.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với 5 ngành như: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may – da giày và công nghệ cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những thách thức đang đặt ra hiện nay là sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp đang trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Vấn đề thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành và hạn chế khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự thiếu liên kết này có thể làm giảm hiệu quả sản xuất, hạn chế khả năng hợp tác và chia sẻ nguồn lực, công nghệ.

Cụ thể, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu khả năng tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không có đủ tiềm lực để tự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc đổi mới công nghệ, làm giảm cơ hội tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc thiếu liên kết khiến họ khó có thể chia sẻ nguồn lực với nhau, từ đó hạn chế khả năng cạnh tranh và mở rộng quy mô sản xuất dẫn đến việc không đồng nhất trong tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, khiến doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này tạo ra sự mất niềm tin từ phía các đối tác quốc tế, vì họ khó có thể đảm bảo tính đồng bộ về chất lượng sản phẩm khi làm việc với nhiều nhà cung cấp nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, do không có sự liên kết chặt chẽ, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó tạo ra chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ, dẫn đến việc phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu, làm giảm tính chủ động và gia tăng chi phí sản xuất.

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: MOIT

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: MOIT

Đồng thời, việc thiếu sự phối hợp giữa các doanh nghiệp làm giảm khả năng tối ưu hóa quá trình sản xuất, đồng thời làm mất cơ hội hợp tác trong việc phát triển sản phẩm mới và đổi mới sáng tạo.

Do đó, trong những năm vừa qua, một số cấp chính quyền địa phương đã và đang phát triển các cụm liên kết ngành - nơi các doanh nghiệp có thể chia sẻ nguồn lực, công nghệ và kiến thức.

Việc liên kết các khu, cụm công nghiệp đã, đang mang lại hiệu quả vượt trội trong sản xuất do tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất cùng một lĩnh vực nên tạo ra động lực cạnh tranh phát triển mạnh. Nhưng trên hết, các khu, cụm công nghiệp liên kết còn cho phép các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác, chuyên môn hóa trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch, gia công đặt hàng, vận tải, cung cấp, xử lý chất thải…

Trong các tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Theo tôi, về yếu tố chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao bao gồm nhiều nguyên nhân như sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài do thiếu nguồn cung nội địa. Theo đó, sự phụ thuộc này làm gia tăng chi phí do giá cả nguyên liệu biến động, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, dịch bệnh và khủng hoảng địa chính trị.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển và logistics liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, nhất là trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng và các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan do sự tăng giá nguyên liệu thô toàn cầu. Do nhu cầu cao từ nhiều quốc gia sản xuất lớn, giá các loại nguyên liệu thô như kim loại, hóa chất, và các sản phẩm nông nghiệp gia tăng, đặc biệt là Trung Quốc và các thị trường đang phát triển.

Trong thời gian tới, chi phí sản xuất có thể tiếp tục tăng cao do các doanh nghiệp phải đầu tư vào trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng và các hoạt động kiểm tra để đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Từ đó, kéo theo giá thành sản phẩm tăng vọt và các doanh nghiệp công nghiệp xuất khẩu khó có thể mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư vào công nghệ mới, dẫn đến chậm trễ trong việc thâm nhập các thị trường mới và đa dạng hóa sản phẩm và sẽ đối mặt với rủi ro bị loại khỏi thị trường do không đáp ứng đủ các yêu cầu khắt khe.

Theo đó, tôi kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ tài chính hoặc ưu đãi thuế để giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, có thể thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng trong nước đạt chuẩn quốc tế để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp khi phải thực hiện các kiểm định từ nước ngoài.

Với các doanh nghiệp cần đầu tư vào thêm vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tìm kiếm, phát triển các nguồn nguyên liệu nội địa thay thế, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng. Đặc biệt cần áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như sản xuất tinh gọn (lean manufacturing), để giảm thiểu lãng phí nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mạnh Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thieu-lien-ket-rao-can-kim-ham-su-phat-trien-cua-nganh-cong-nghiep-ho-tro-355083.html
Zalo