Thiếu GV, phải chờ bổ sung trang thiết bị khiến nhiều trường phổ thông gặp khó

Hiện nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú vẫn gặp thách thức trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và bổ sung trang thiết bị dạy học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện ở cả 3 cấp học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình mới cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là việc thiếu giáo viên và bổ sung trang thiết bị dạy học kịp thời.

Trường học phải ghép lớp, giáo viên kiêm nhiệm nhiều việc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

 Thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Lực, một trong những khó khăn lớn nhất mà nhà trường đang gặp phải là thiếu giáo viên Tiếng Anh. Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, môn Tiếng Anh đã được dạy từ lớp 3 đến lớp 5, song nhà trường không có đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Đây là một vấn đề nan giải, đặc biệt là đối các trường vùng cao, nơi mà nguồn nhân lực giáo viên có chất lượng còn rất hạn chế. Do đó, số lượng giáo viên Tiếng Anh không đủ để dạy hết tất cả các lớp, dẫn đến việc phải ghép các lớp lại với nhau. Đơn cử với 11 lớp từ khối 4 đến khối 5, nếu không ghép lớp, số tiết dạy sẽ vượt quá khả năng của giáo viên hiện tại.

Thầy Lực cho biết thêm, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh, tăng cường thêm một giáo viên Tiếng Anh từ thành phố Yên Bái, tuy nhiên, tình trạng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngoài ra, việc dạy trực tuyến cũng được triển khai để giảm bớt áp lực cho giáo viên, nhưng do điều kiện đường truyền internet thường xuyên không ổn định gây cản trở trong quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh.

“Bên cạnh đó, trường cũng thiếu giáo viên dạy môn Tin học. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã phải điều chuyển một giáo viên dạy chính tiểu học sang dạy thêm môn Tin học. Tuy nhiên, giáo viên này vẫn cần thời gian để hoàn thiện bằng cấp chuyên môn và đến năm 2026 mới có thể chính thức đứng lớp. Điều này tạo áp lực đến ban quản lý nhà trường phải tạm thời xoay sở bằng cách bố trí lịch giảng dạy linh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng dạy học vẫn bị ảnh hưởng do giáo viên chưa thực sự có chuyên môn, kinh nghiệm trong môn Tin học”, thầy Lực nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương nhận định, tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là vấn đề chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên giữa các trường lại có sự khác nhau đáng kể. Đơn cử có những trường thiếu giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật, trong khi đó, nhiều trường khác thiếu giáo viên Toán, Tiếng Anh và các bộ môn tích hợp.

Đối với các môn tích hợp, ở bậc trung học phổ thông, đa số các trường không gặp khó khăn vì các môn học vẫn được giảng dạy độc lập như trước đây. Tuy nhiên, ở cấp trung học cơ sở, việc dạy tích hợp đòi hỏi thêm sự linh hoạt và điều chỉnh từ phía giáo viên, do đó, việc khó khăn trong dạy học là điều khó tránh khỏi.

“Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đảm bảo giáo viên có đủ chuyên môn và trình độ để dạy học là một yếu tố cần thiết. Theo quy định, giáo viên phải tốt nghiệp đại học và chuyên ngành tương ứng mới có thể đứng lớp. Do đó, tình trạng thiếu giáo viên có thể dẫn đến trường hợp một thầy cô phải kiêm nhiệm dạy nhiều môn học cùng lúc khiến công việc quá tải.

Bên cạnh đó, vấn đề điều động và sắp xếp giáo viên để đảm bảo không bị trùng lặp giờ học giữa các lớp cũng tạo ra thách thức cho nhiều trường. Chẳng hạn, đối với bộ môn khoa học tự nhiên, nhiều trường sẽ phân cho 3 giáo viên cùng dạy dẫn đến chồng chéo trong việc sắp xếp thời khóa biểu, gây ra áp lực cho người dạy”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương nêu quan điểm.

Mong muốn được cấp trang thiết bị kịp thời để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới

Bên cạnh việc thiếu đội ngũ giáo viên, việc bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cũng là vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho không ít cơ sở giáo dục.

Thầy Nguyễn Trường Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên (phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên) cho hay, mặc dù nhà trường đã có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà trường đã nhiều lần gửi kiến nghị lên cấp trên để xin hỗ trợ, tuy nhiên, với tình hình khó khăn chung của tỉnh, việc nhận được sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa thực sự kịp thời do ngân sách tỉnh còn hạn chế.

"Mặt khác, quy trình làm đề xuất và kiến nghị hiện nay khá phức tạp và mất nhiều thời gian dẫn đến việc triển khai các kế hoạch bị kéo dài. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình, gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh”, thầy Giang nêu quan điểm.

 Thầy Nguyễn Trường Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên. (Ảnh: Website nhà trường)

Thầy Nguyễn Trường Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên. (Ảnh: Website nhà trường)

Thầy Giang cho biết thêm, nhà trường có 100% học sinh đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mặc dù các em được hỗ trợ về mặt kinh phí học tập và sách giáo khoa theo chính sách của Nhà nước nhưng việc tiếp cận và tiếp thu kiến thức thường gặp nhiều trở ngại hơn so với các học sinh trường khác. Do đó, nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các em từ việc cung cấp tài liệu học tập lẫn động viên về mặt tinh thần.

“Đối diện với nhiều thách thức, nhà trường vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đảm bảo rằng học sinh có được nền tảng kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, để có thể làm tốt hơn, chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét và hỗ trợ thêm về cả nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất. Từ đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thuận lợi và đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất cho học sinh”, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên bày tỏ.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh cho biết, một số lớp học tại trường đang thiếu trang thiết bị dạy học cơ bản như ti vi, máy chiếu và các thiết bị hỗ trợ khác gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu cần sử dụng nhiều tài liệu, học liệu điện tử.

“Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và hy vọng sẽ được bổ sung trang thiết bị sớm, tuy nhiên, quá trình mua sắm tập trung thường kéo dài và việc cung cấp thiết bị thường đến chậm so với nhu cầu thực tế. Do đó, nhà trường mong muốn nhận được sự quan tâm từ các cấp quản lý, sớm có phương án hỗ trợ thêm một số thiết bị dạy học hiện đại và cải thiện đường truyền internet giúp nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến và sử dụng tài liệu điện tử”, thầy Lực bày tỏ.

 Hiện Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (Yên Bái) còn 4 phòng học thiếu tivi, máy chiếu. (Ảnh: NTCC)

Hiện Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (Yên Bái) còn 4 phòng học thiếu tivi, máy chiếu. (Ảnh: NTCC)

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện nhận định, tình trạng thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đang tạo ra khó khăn cho địa phương. Một số trang thiết bị như tivi, máy chiếu đã được trang bị nhưng số lượng vẫn chưa đủ để đáp ứng hết nhu cầu. Đặc biệt, đối với các phòng thực hành, mặc dù các địa phương đã nỗ lực cải thiện tình hình nhưng hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ cho tất cả các lớp.

“Tôi cho rằng mỗi địa phương, mỗi trường sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc triển khai chương trình mới, tuy nhiên, với sự nỗ lực cải thiện từ phía các cấp quản lý hy vọng rằng sẽ dần tháo gỡ, khắc phục từng vấn đề để mang lại môi trường học tập chất lượng cho học sinh”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện bày tỏ.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thieu-gv-phai-cho-bo-sung-trang-thiet-bi-khien-nhieu-truong-pho-thong-gap-kho-post245675.gd
Zalo