Thiếu giáo viên chương trình GDPT mới nhưng địa phương không đặt hàng

Đó là thông tin mà Trường ĐH Sư phạm TPHCM đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/3.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai chương trình GDPT mới và SGK, GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã cho biết thông tin trên khi Đoàn đặt câu hỏi về vai trò của Trường trong việc chuẩn bị nguồn lực giáo viên.

Công tác chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới rất kỹ lưỡng

GS Huỳnh Văn Sơn cho biết: Từ tháng 2/2016 trường ĐH Sư phạm TPHCM đã tham gia bắt tay vào công cuộc chuẩn bị cho việc cùng tham gia theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đến đầu năm 2017 khi Bộ GD&ĐT bắt đầu tuyển chọn thành viên tham dự xây dựng, phát triển đề án chương trình GDPT mới, nhà trường có 4 nhân sự tham gia phát triển chương trình.

Do tham gia cùng Bộ GD&ĐT ngay từ những ngày đầu nên Trường đã chủ động xây dựng các chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng việc đào tạo đội ngũ giáo viên: Từ 2018 đến 2022 Trường đã hoàn tất việc xây dựng và mở 4 mã ngành mới là Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành. Cả 4 chương trình đào tạo đã được trình Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép mở ngành.

Công tác rà soát, cải tiến chương trình hiện hành được trường thường xuyên thực hiện (2 năm/lần) nhằm cập nhật các chương trình đào tạo trong các năm 2018, 2020, 2022. Theo GS Sơn, với các chương trình đào tạo giáo viên thì một trong những nội dung trọng tâm là rà soát nhằm cập nhật chương trình, giúp chương trình đáp ứng với việc đào tạo nguồn nhân lực để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.

"Kết quả công tác tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, đại trà. Về kết quả bồi dưỡng đối với giáo viên phổ thông đại trà, Trường đã hoàn thành hỗ trợ khoảng 230.000 lượt giáo viên mỗi mô đun. Kết thúc chương trình, Trường hoàn thành mục tiêu đạt mức điểm 5/7 (theo bộ chỉ số TEIDI) trong đó có 1 điểm 6 (vượt tầm quốc gia, điểm cao nhất trong tất cả các Trường tham gia ETEP) về công tác bồi dưỡng. Kết quả phản hồi của người học cho thấy mức độ hài lòng là trên 96%.

Kết quả công tác tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, đại trà, Trường đã bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà bồi dưỡng 6 mô đun. Phụ trách bồi dưỡng cho 19 tỉnh/thành khu vực phía Nam. Đã thực hiện bồi dưỡng theo quy trình hướng dẫn của ban quản lý ETEP trung ương. Mỗi mô đun Trường tổ chức bồi dưỡng đều có hơn 7.500 lượt giáo viên cốt cán tham gia, trong đó mô đun có số lượng hoàn thành thấp nhất là mô đun 9 với 7.229 giáo viên phổ thông cốt cán, vượt so với số cam kết phương án là 6.700 giáo viên"- GS Sơn chia sẻ.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi thông tin

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi thông tin

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Sau khi giám sát nhiều quận huyện, nhiều trường thì thực trạng thiếu giáo viên các tổ bộ môn là vấn đề rất đáng quan ngại chúng tôi tiếp nhận được. Nhiều trường, quận huyện thậm chí không thể tuyển ra giáo viên bộ môn tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật... và họ đề nghị cần có sự tham gia sâu sát từ phía các trường sư phạm cho vấn đề này".

Phản hồi vấn đề mà Đoàn giám sát nêu ra, thầy Cao Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Trường ĐH Sư phạm TPHCM tuyển sinh và đào tạo theo chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao dựa trên nhu cầu dự báo của các địa phương. Do đó, sau khi thí sinh trúng tuyển, phân ngành và xét địa phương, Nhà trường đều có liên hệ địa phương để hỏi xem có nhu cầu đặt hàng đào tạo không. Tuy nhiên, việc phản hồi cho cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên từ các địa phương theo Nghị định 116 là rất ít.

"Năm 2021, chỉ có 2 địa phương là Long An( đặt hàng 53 giáo viên) và Ninh Thuận (8 giáo viên) đặt hàng đào tạo giáo viên. Năm 2022, thì chỉ có duy nhất Long An đặt hàng nhà trường 27 giáo viên cho tỉnh. Do không nhận được phản hồi về nhu cầu tuyển dụng từ các địa phương nên Nhà trường thực hiện việc mở ngành, tuyển sinh và đào tạo căn cứ vào các khảo sát nhu cầu, chỉ tiêu dự kiến (thông qua chọn nguyện vọng của học sinh) nên số lượng giáo viên các môn mới ra trường không nhiều.

Năm 2023 này trường sẽ có 46 giáo viên sư phạm Khoa học tự nhiên ra trường, hai năm sau nữa có khoảng 300 giáo viên của 4 môn còn lại ra trường gồm Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân"- thầy Tuấn nói.

Bài toán tuyển dụng và thu hút người giỏi vào ngành sư phạm một lần nữa được các đại biểu của Đoàn giám sát Quốc hội đặt ra và mong muốn tìm kiếm một giải pháp toàn vẹn từ phía Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đồng tình với những trăn trở của Đoàn giám sát, nhưng GS Huỳnh Văn Sơn tin rằng để gỡ cho vấn đề này thì cần một giải pháp mang tính tổng thể và tầm vĩ mô, điều mà nhiều năm nay đã bàn luận rất nhiều.

"Trường ĐH Sư phạm TPHCM đang thực hiện đề tài cấp Quốc gia về "Dự báo số trẻ đến trường và dự báo nhu cầu giáo viên". Đây là đề tài nhằm phân tích và dự báo sát thực tiễn nhất nhu cầu giáo viên trong tương lai. Nếu chúng ta không làm tốt công tác dự báo thì 5-10 năm tới rất dễ phải đối mặt với tình huống thiếu giáo viên toàn bộ hay cục bộ như hiện nay.

Cá nhân tôi nghĩ môi trường sư phạm tốt, chế độ và chính sách học bổng dành cho sinh viên sư phạm (như Nghị định 116 đang triển khai) thôi vẫn chưa đủ. Cái quan trọng là phải xây dựng được một chính sách lương bổng thật tốt cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, việc xây dựng chính sách và thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giáo viên đó mới là điểm mấu chốt thu hút người giỏi vào ngành sư phạm"- GS Sơn nhấn mạnh.

Ý kiến từ một cán bộ quản lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM

Ý kiến từ một cán bộ quản lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM

Chương trình đã giúp giảm tải cho giáo viên và học sinh

Trả lời cho câu hỏi mà Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Chương trình GDPT mới có thật sự giảm tải cho học sinh và giáo viên khi ghi nhận thực tế tại các địa phương và nhà trường cho thấy giáo viên đang có thêm nhiều đầu việc hơn, việc chuẩn bị bài giảng và công tác soạn giảng tốn nhiều thời gian hơn.

GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng đó chỉ là những cảm nhận ban đầu khi giáo viên tương thích và thay đổi mình khi thực hiện chương trình GDPT mới trong những ngày đầu. Bởi trong thực tế, muốn đánh giá một chương trình cần đặt nó trong bối cảnh mới, với những tác động trực tiếp và cần phải đánh giá và tiệm cận những đánh giá ấy với những mong đợi song hành với sự phát triển của thế giới.

Theo hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chương trình GDPT mới giảm số môn ít hơn, nhưng lại có những hoạt động giáo dục mới gia tăng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Phần ghi nhớ ở bậc Tiểu học đã giảm xuống rất nhiều, yêu cầu của việc phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh đã thể hiện rất rõ. Ở bậc THCS, chương trình rõ ràng đã giảm tính hàn lâm, vì không yêu cầu học sinh tiếp cận về nội dung theo kiểu học nhớ như ngày xưa.

Nhìn nhận chương trình GDPT mới đang làm theo 2 giai đoạn, với mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất người học nên có một số nội dung đưa xuống bậc THCS. Do đó, khi xây dựng chương trình GDPT mới chỉ những kiến thức rất cơ bản của lớp 10, 11 mới đưa xuống để đảm bảo được nền tảng kiến thức cơ bản cho học sinh khi học xong bậc THCS, nhằm hướng đến mục tiêu đầu ra cơ bản cần thiết cho học sinh.

Sự quan ngại về sự đứt quãng kiến thức khi hiện nay chương trình đang thực hiện theo kiểu cuốn chiếu giữa các bậc học, không có tính liên tục từ các đại biểu của Đoàn giám sát được GS Huỳnh Văn Sơn giải đáp bằng các luận cứ khoa học và thực tiễn.

GS Sơn đồng tình hiện có sự đứt quãng giữa các bậc học. Nhưng theo ông không có gì là hoàn hảo, nhất là với chương trình GDPT mới triển khai trong bối cảnh quá đặc biệt. Thông qua các khảo sát trực tiếp và phương thức đánh giá học sinh như hiện nay, GS Huỳnh Văn Sơn tin tưởng sinh học chương trình cũ vẫn có thể tương thích và thích nghi với chương trình mới.

"Thực tế, có thể có độ vênh nhất định, nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi mà giáo viên đang thích ứng từng ngày, 3 năm sau vẫn có thể đảm bảo lượng kiến thức mới. Chúng tôi thậm chí còn lường trước tình huống học sinh tỉnh này chuyển sang tỉnh khác, khu vực này chuyển sang khu vực khác. Vì vậy, việc đánh giá đầu vào của học sinh này là rất cần thiết, đánh giá đầu cấp của học sinh sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng với các trường trong việc tiếp nhận và hỗ trợ cho học sinh của mình"- GS Sơn nhấn mạnh.

Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thieu-giao-vien-chuong-trinh-gdpt-moi-nhung-dia-phuong-khong-dat-hang-post630524.html
Zalo