Thiếu đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, Hà Nội vẫn Tết!

Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên từ lâu đã là biểu tượng đặc trưng của Tết Hà Nội. Năm nay, do đợt bão số 3 vừa qua, nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều vườn cây cảnh ở đây bị thiệt hại nghiêm trọng. Trước nguy cơ mất trắng, người trồng cây cảnh ở hai làng nghề nổi tiếng này vẫn không thôi hy vọng khi đang dồn hết công sức để hồi sinh những vườn cây truyền thống của mình. Mong rằng với sự quyết tâm, kiên cường đó, Tết này người Hà Nội vẫn có thể đón Xuân trọn vẹn với sắc vàng, hồng tươi thắm của những cành đào, cây quất thân quen.

Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên vốn đã trở thành biểu tượng mỗi dịp Tết đến Xuân về, không chỉ là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình mà còn là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Không có gì thể hiện rõ hơn không khí Tết của Hà Nội bằng những cành đào Nhật Tân. Mỗi dịp cuối năm, khi những cành đào được chở từ vườn về phố, người Hà Nội như thấy mùa xuân đến gần hơn. Đào Nhật Tân không chỉ là hoa, mà còn là tình yêu, niềm tin vào một năm mới đầy hi vọng.

Tuy nhiên, sau đợt lũ hậu bão số 3, nhiều vườn đào bị thiệt hại nghiêm trọng. Mất mát này không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế mà còn là thiệt hại về mặt tinh thần cho người Hà Nội. Không có sắc đào, quất trên phố, liệu cái Tết năm nay còn trọn vẹn với người dân Thủ đô?

Vườn đào quất xưa và nay

Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) là hai biểu tượng đặc trưng cho Tết Nguyên Đán của Thủ đô. Những năm trước, khi bước chân vào vườn đào Nhật Tân, sẽ không khỏi choáng ngợp trước màu hồng tươi thắm của hàng nghìn cành đào, như những chùm hoa lấp lánh ánh xuân. Những cành đào không chỉ là điểm nhấn của không khí Tết mà còn mang theo mong ước về một năm mới tràn đầy may mắn và rực rỡ. Trong khi đó, quất Tứ Liên, quả vàng óng trĩu nặng trên cành, tạo nên hình ảnh của sự thịnh vượng và đoàn tụ.

Đào Nhật Tân và quất Tứ Liên bị thiệt hại nghiêm trọng vì bão lũ.

Đào Nhật Tân và quất Tứ Liên bị thiệt hại nghiêm trọng vì bão lũ.

Tuy nhiên, sau đợt bão số 3, nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều vườn cây cảnh của làng đào Nhật Tân và làng quất Tứ Liên bị thiệt hại nghiêm trọng.

Theo thống kê từ UBND quận Tây Hồ, 105 ha trồng đào bị ngập, gây thiệt hại hơn 85 tỷ đồng. Trong đó, phường Nhật Tân là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 80 ha cây đào bị ngập úng.

Vườn quất Tứ Liên cũng không ngoại lệ, 35,5 ha quất bị ngập, với thiệt hại ước tính hơn 37 tỷ đồng. Nhiều hộ dân làm nghề truyền thống lâu năm giờ đây lâm vào cảnh trắng tay.

Tết này Hà Nội sẽ vắng đi sắc tươi tắn quen thuộc của những cành đào, cành quất, và người trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên thì đành chấp nhận một mùa xuân khó có thể trọn vẹn.

Người trồng đào, quất chịu thiệt hại

Vườn đào Nhật Tân 10 ngày trước trải qua trận bão lũ lớn gây ngập lụt toàn vùng. Hiện tại, thay vì tất bật chuẩn bị cho vụ Tết như mọi năm với cảnh chăm sóc từng cành đào, từng chậu quất, thì giờ đây, bà con lại đang phải tập trung vào công việc dọn dẹp bùn đất sau lũ, dù rất tiếc nuối nhưng cũng phải bỏ đi những gốc cây đã gắn bó và được chăm chút cả năm trời.

Vườn đào xám xịt, không còn sức sống của người nông dân trồng đào Nhật Tân.

Vườn đào xám xịt, không còn sức sống của người nông dân trồng đào Nhật Tân.

Tranh thủ trời tạnh ráo, chị Huyền tỉa từng nhánh cây bị cháy và thu dọn những gốc cây đã hoàn toàn chết do bão lũ. Vườn đào của gia đình chị, với diện tích hơn 400m², giờ đây chia làm hai nửa: một bên là màu trắng xám của bùn đất, bên còn lại là màu xanh của những nhánh cây còn sót lại.

Dù dự đoán khoảng 80% diện tích vườn có thể bị thiệt hại, chị vẫn không ngừng hy vọng vào những cành đào còn sống sót và đang nỗ lực hết sức để cứu vãn những cây còn có khả năng hồi sinh.

Chị Lê Thu Huyền chia sẻ: "Đây là cây đào nhà tôi đã trồng được 1 năm, như thế này nghĩa là nó đã chết, còn một số cây đào khác nước ngập lên cao đến tận tán, chỉ còn le ve ít búp xanh thì cũng chưa thể biết được đào còn sống hay đã chết. Có những cành mà không ngập đến tán thì có thể cứu được, cố giữ được gốc, nhưng kể cả vậy cũng chưa chắc có thể sống tiếp hay không. Thôi thì còn nước còn tát, chúng tôi giữ đào được cây nào hay cây nấy".

Ngay khi nước sông vừa rút, gia đình anh Bảo đã phải nhanh chóng hút nước, dọn sạch bùn từng gốc đào. Loại bỏ phần rễ cây đã bị úng, anh Bảo vẫn vững niềm tin vào khả năng hồi sinh của những nhánh đào còn lại này để phần nào gỡ gạc lại vụ mùa năm nay.

Anh Đỗ Ngọc Bảo cố gắng cứu những cây đào.

Anh Đỗ Ngọc Bảo cố gắng cứu những cây đào.

Anh Đỗ Ngọc Bảo cho biết: "Để khắc phục được những cây này sang năm thì tỉ lệ cũng chỉ là 50/50. Khi mà nước đã ngập đến mức này thì coi như bộ rễ đã bị tổn thương rất nhiều rồi, bây giờ nếu khô nhanh thì có thể cho thuốc kích rễ, cố gắng cứu sống cây. Còn phần thân coi như phải cắt bỏ hết từ phần tay để lấy phần ngọn trên, còn nếu phần ngọn trên không được thì đến thời điểm cuối năm, tôi sẽ cắt sâu xuống, ghép với mắt mới để nuôi lấy cái gốc để làm cây nhỏ. May mấy cây đào to chỉ mất một nửa chứ mấy cây đào nhỏ tôi nuôi là chết hết rồi".

Mặc dù việc phục hồi cây trồng sẽ không dễ dàng và có thể mất khoảng 3-4 năm nữa để khôi phục lại làng đào như những năm trước, người dân nơi đây vẫn giữ vững niềm tin và sự quyết tâm. Còn cây là còn hy vọng, còn đất là còn cơ hội tái canh tác. Sắc xanh vẫn hiện diện tại làng hoa này, mang tới hy vọng về một mùa đào, mùa quất Nhật Tân sẽ lại khoe sắc rực rỡ, mang lại không khí Tết tràn đầy sức sống như trước đây.

Người Hà Nội với đào

Suốt thời gian làm báo, nhà báo Vũ Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban VHXH Đài PTTH Hà Nội, đã có thời gian dài nghiên cứu về nét văn hóa, thú chơi đào của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về.

Sinh ra trong một gia đình Hà Nội rất trọng nếp nhà, đối với nhà báo Vũ Tuyết Nhung, mỗi lần nhìn thấy cành đào bích Nhật Tân là lại nhớ tới những kỉ niệm thời thơ ấu cùng mẹ và Tết phố cổ.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, đào Nhật Tân vẫn là thứ không thể thiếu trong ngôi nhà người Hà Nội.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, đào Nhật Tân vẫn là thứ không thể thiếu trong ngôi nhà người Hà Nội.

Nhà báo Vũ Tuyết Nhung chia sẻ: "Tôi thấy thương và tiếc thay cho bà con vì không chỉ thiếu hụt đi những nét đẹp của văn hóa Tết mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của bà con. Tết thì tôi nhớ hoa đào, dù là tôi chơi đào loại nào đi nữa. Có năm tôi chơi đào Lạng Sơn, đào Sơn La, có năm tôi còn chơi cả đào Lào nữa, nhưng Tết năm nào trong nhà tôi cũng có một cành đào Nhật Tân".

Bà chia sẻ lý do bà thích đào Nhật Tân vì nó gợi cho bà những ký ức về mẹ của mình: "Mỗi lần tôi cắm 1 cành đào Nhật Tân, tôi lại nhớ đến mẹ mình. Mẹ tôi mỗi khi xuân về đều mua 1 cành đào Nhật Tân, báo hiệu cho một không khí ấm áp, vui vẻ. Báo hiệu về công việc kinh doanh thuận lợi, về gia đình thịnh vượng, no ấm và hạnh phúc ngập tràn".

Với chị Bùi Tố Nga (phường Xuân La, quận Tây Hồ): "Chắc chắn vẫn còn sót lại những cành đào Nhật Tân, người dân Phú Thượng chúng tôi luôn sẵn sàng bỏ tiền ra dù giá bao nhiêu cũng mua. Vì thứ nhất, chúng tôi mua để ủng hộ và cũng để góp 1 phần nào đấy cho những người trồng đào, bù đắp cho tổn thất của họ. May mắn năm nay mua được 1 cành đào Nhật Tân thì năm nay cũng là 1 cái Tết trọn vẹn với tôi vì cái Tết của người Hà Nội thì phải có đào, mà Tết của người Hà Nội luôn là cành đào Nhật Tân. Chỉ có đào Nhật Tân mới có thể mang được vẻ đẹp của mùa xuân và bền bỉ như thế".

Chị Nguyễn Thúy Linh (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết: "Tôi cảm thấy rất nuối tiếc vì mỗi năm mỗi khi xuân đến, tôi sẽ đi lên vườn đào không chỉ một lần mà phải 2, 3 lần từ cái lúc có những cây đào đầu tiên cho đến lúc đón được 1 cành đào ưng ý về nhà. Đào Nhật Tân luôn có cái sắc hồng thắm hơn, bông to hơn và trồng đúng mảnh đất người Hà Nội.

Do đó người Hà Nội sẽ thích hơn là những cành đào từ các vùng miền khác, và nó cũng có đặc trưng riêng, không những chỉ là đào tích, đào phai, đào trắng nữa mà nó có rất nhiều sắc và đa dạng. Nếu không còn đào, chúng ta có thể chuyển sang những loài hoa khác như thược dược hay lay-ơn, rất đặc trưng cho Tết".

Mỗi cành đào, cây quất đều mang tinh thần của Tết, và sự vắng bóng loài hoa loài quả biểu trưng này, năm nay hẳn sẽ khiến người Hà Nội cảm thấy thiếu đi một phần rất quen, rất thân thương, rất gợi nhớ.

Người nông dân giờ đây sẽ cần thời gian và công sức rất lớn để trồng lại và chăm sóc những cây đào. Năm nay, chúng ta có thể không thấy những cành đào Nhật Tân rực rỡ như mọi năm, nhưng chúng ta cũng không cực đoan đến mức không có đào Nhật Tân nghĩa là không có Tết. Còn da lông mọc, còn chồi xanh cây – những mầm chồi còn sót lại sẽ hứa hẹn một mùa sau tươi tốt hơn. Mặc dù năm nay không có đào quất Nhật Tân, nhưng vẫn có những loài hoa khác để thay thế và làm phong phú thêm không khí Tết.

MC: Đúng là trong cuộc sống đầy biến động, chúng ta sẽ cần làm quen với những thiếu thốn, thiếu vắng. Chúng ta sẽ phải chấp nhận và thích nghi với thời cuộc mới. Trong cái rủi cũng có cái may, nhìn ở góc độ khác thì cơn lũ cũng có thể mang lại cơ hội mới, bởi lớp phù sa sông Hồng bồi đắp cho đất đai. Không có gió sông Hồng thì không có đào Nhật Tân. Không có phù sa sông Mẹ thì không có đào Nhật Tân,

MC 2: Chính xác, thổ nhưỡng, phong thổ và kinh nghiệm đều là những yếu tố quyết định để có được những cây đào Nhật Tân chất lượng. Những giống đào Nhật Tân mang ươm trồng nơi khác, không thể đạt được chất lượng của đào Nhật Tân, vì tất cả những yếu tố đặc biệt đó đều kết hợp tinh tế tại nơi quê gốc của chúng. Trên chính mảnh đất bão lũ vừa quét qua ấy, rồi đào Nhật Tân, quất Tứ Liên sẽ hồi sinh.

Mùa mưa bão đi qua, rồi mùa xuân sẽ lại về. Với sự kiên cường và tinh thần lao động không ngừng nghỉ, người dân làng đào Nhật Tân sẽ sớm tái thiết cuộc sống, phục hồi những vườn đào thân thuộc.

Nguyễn Mai Anh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thieu-dao-nhat-tan-quat-tu-lien-ha-noi-van-tet-266126.htm
Zalo