Thiếu cát đá, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thi công cầm chừng
Việc thiếu nguồn cát, đá, nhà thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chủ yếu làm các công việc đổ bê tông mặt cầu và lan can cầu.
Nhà thầu lo lắng chuyện cát, đá
An Giang là một trong những địa phương có trữ lượng cát sông lớn nhất của khu vực ĐBSCL. Theo ước tính, trữ lượng cát sông trên địa bàn tỉnh này có khoảng 20 triệu mét khối và hiện đã lên chương trình cung cấp cho các dự án khoảng 15 triệu mét khối, nên để nâng số lượng cát là rất khó khăn.
Đến thời điểm này, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại An Giang vẫn cần cần vật liệu cát sông. Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung cấp hạn chế, vì vậy địa phương đã lên kế hoạch, rà soát, phân bổ nguồn cát nhưng phải qua Tết mới có kết quả. Trong khi đó, các dự án giao thông trọng điểm không thể triển khai được nếu thiếu nguồn cát.
Anh Mai Trương Trung Nguyên, cán bộ Phòng Kỹ thuật (Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho rằng cái khó đến thời điểm này là thiếu cát, đá.
“Hiện dự án chung về phần cầu đã làm xong trong năm 2024. Tuy nhiên, về phần đường thì đang gặp khó khăn cũng do nguyên nhân thiếu cát. Tôi sợ nếu qua Tết không được cung cấp cát, đá kịp thời sẽ dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện cả gói thầu”, anh Nguyên nói.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 bao gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh An Giang làm chủ quản, chiều dài hơn 57km, sơ bộ tổng mức đầu tư 13.799 tỉ đồng và được chia thành 4 gói thầu. Đến nay, cả 4 gói thầu đều đã được chỉ định thầu và các nhà thầu đã có mặt trên công trường để thực hiện dự án.
Nhà thầu nói gì?
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới vào chiều 24.1, tại công trình xây dựng tuyến cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dù đã qua nhiều tháng thi công nhưng tại điểm đầu của dự án (Km0+314, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn không thay đổi gì nhiều.
Tại gói thầu số 42 do liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần Thiết bị 624 phụ trách, có hơn 120 công nhân, kỹ sư đang sử dụng máy móc, thiết bị đổ bê tông mặt cầu và lan can cầu. Tất cả đều làm việc trong không khí quyết tâm hoàn thành các mốc kế hoạch đề ra.
Vào sâu công trình vài trăm mét, xung quanh vẫn là ruộng lúa, cỏ mọc um tùm. Trên con đường công vụ, vài chiếc xe trộn bê tông chạy ra, chạy vào cuốn bụi tung mù mịt. Riêng nhóm công nhân được chia từng khu vực đổ bê tông mặt cầu.
Ông Nguyễn Đình Du - Phó giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết đơn vị phụ trách thi công 87% giá trị hợp đồng gói thầu số 42, tổng chiều dài gần 17km đường, 5 cầu và 62 cống…
“Bây giờ chưa dám bàn đến nguồn cát san lấp nền. Do không đủ cát, đá, nhiều tháng qua chúng tôi chủ yếu làm các công việc như đổ bê tông mặt cầu và lan can cầu. Nói chung cơ bản phần cầu đơn vị đã thực hiện xong.
Hiện khó khăn lớn nhất là phần đường do thiếu cát, đá. Không có cát, đá là không làm gì được. Đặc biệt chất lượng cát ở một số mỏ xấu, chiếm 15 - 43% bùn sét, gây thất thoát rất lớn cho công trình. Ngoài ra, một số mỏ đá trên địa bàn huyện Tri Tôn đã đóng nên khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Du bày tỏ.
Cũng theo ông Du, sau Tết đơn vị cũng chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng tôi giám sát, theo dõi chặt chẽ quá trình thi công để đảm bảo chất lượng. Năm 2025 là quãng thời gian quan trọng, quyết định tiến độ dự án nên tất cả các công việc phải được tiến hành đồng bộ và quyết liệt”, ông Du nói.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP.Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP.Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.