Thiết bị lọc vi nhựa siêu tốc
Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (DGIST), Hàn Quốc công bố phương pháp làm sạch nước mới có thể loại bỏ gần như hoàn toàn hạt vi nhựa và các chất ô nhiễm khác trong vòng 'một nốt nhạc'.
Trong nghiên cứu mới nhất này, chất CTF (khung triazene cộng hóa trị) đóng vai trò then chốt. Vật liệu này rất xốp và có diện tích bề mặt lớn nên có nhiều không gian bên trong để lưu giữ các phân tử thu thập được. Các nhà khoa học điều chỉnh để các phân tử trong CTF ưa nước hơn, sau đó cho vật liệu này trải qua quá trình oxy hóa nhẹ. Thử nghiệm cho thấy 99,9% chất ô nhiễm bị loại bỏ khỏi nước chỉ trong 10 giây do bộ lọc hoạt động với tốc độ cao.
Ngoài ra, vật liệu này có thể tái chế nhiều lần mà không mất hiệu quả. Trong một thử nghiệm khác, nhóm nhà khoa học đã tạo ra một phiên bản polymer có thể hấp thụ ánh sáng mặt trời, chuyển thành nhiệt rồi sử dụng lượng nhiệt đó để lọc các hóa chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), cũng là chất ô nhiễm. Dưới tác động của bức xạ mặt trời, cách này có thể loại bỏ hơn 98% VOC. Một nguyên mẫu kết hợp cả hai loại màng có thể loại bỏ hơn 99,9% cả hai loại chất ô nhiễm (vi nhựa và VOC).
Giáo sư Park Chi-young, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một công nghệ toàn cầu với hiệu quả kinh tế cao, có thể lọc sạch nước ô nhiễm và cung cấp nước uống ở cả những khu vực không có điện”.