Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Sáng 13/4 (tức 16/3 âm lịch), Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh cùng các tộc, họ thành kính tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức các hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vâng lệnh triều đình ra Hoàng Sa khai thác sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức tại đình làng An Vĩnh, Lý Sơn. Ảnh: Văn Tánh
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân các làng An Hải, An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Đây là một lễ thức dân gian được các tộc, họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm để thể hiện lòng tri ân của người dân đất đảo đối với những người con ưu tú của quê hương Lý Sơn tuân thủ lệnh vua đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật. Nhiều người ra đi không trở về, thân xác họ đã hòa mình vào biển cả mênh mông.

Bài vị ghi danh các Cai đội: Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật... Ảnh: Văn Tánh
Cho đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây, nước bốn bề/Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Câu ca ấy khắc họa số phận của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa từ thuở trước, những người được vua Tự Đức gọi là những “hùng binh”.

Thuyền câu, một mô hình tái hiện những chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền. Ảnh: Văn Tánh
Hải đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ để xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của hai làng An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Hoạt động của đội Hoàng Sa năm xưa, trong điều kiện tàu thuyền thô sơ và luôn phải đối mặt với nguy cơ "một đi không trở lại". Sự hiểm nguy ấy đã hình thành những câu hát dân gian, được người dân Lý Sơn thuộc lòng và truyền lại cho thế hệ mai sau về một thời bi hùng, oanh liệt trong trang sử hào hùng về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây", "Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"...

Lão ngư làng An Vĩnh thổi ốc u ra hiệu lệnh cho trai tráng trong làng rước mô hình thuyền câu ra biển. Ảnh: Văn Tánh
Lễ khao lề thế lính là dịp để các bậc cao niên trên đảo kể lại cho con cháu nghe nhiều câu chuyện về đội Thủy quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, về những chuyến hải trình đầy gian khổ, nhưng cũng rất đáng tự hào, chuyện về những gương sáng vì nước vong thân của các vị Cai đội Hoàng Sa như Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật...

Các trai tráng làng An Vĩnh thả thuyền câu ra biển. Ảnh: Văn Tánh

Những chuyến đi đầy hiểm nguy của những hùng binh được tái hiện trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Văn Tánh
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay (2025) được Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Quảng Ngãi phối hợp với huyện Lý Sơn, Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh cùng các tộc, họ tổ chức trang nghiêm, thành kính. Đây không chỉ là lễ thức truyền thống mà còn là thông điệp mạnh mẽ, khẳng định tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quật cường và trách nhiệm gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.