Thiêng liêng hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương và mất mát để lại vẫn hiện hữu đâu đó trên đất nước Chùa tháp. Nhiều hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện cùng các chuyên gia Việt Nam, những người đã hy sinh vì tinh thần quốc tế trong sáng, đoàn kết và hòa bình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, vẫn còn nằm rải rác nơi đất khách. Để thực hiện trách nhiệm thiêng liêng với những người đã ngã xuống, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.
QUYẾT TÂM ĐƯA CÁC ANH VỀ ĐẤT MẸ
Ngày 1-1-2001, Đội K72 thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Phước chính thức được thành lập, đảm nhận nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, các chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Đội K72 được tuyển chọn kỹ, giàu kinh nghiệm, nhiều đồng chí từng tham gia chiến đấu trên nước bạn Campuchia. Đây là công việc đầy khó khăn, đòi hỏi lòng kiên trì, sự cống hiến và tinh thần trách nhiệm cao. Dù nhận được sự hỗ trợ tận tình, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp trên và chính quyền địa phương, các thành viên trong đội vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách.
Địa hình thay đổi, các mốc địa lý bị xóa nhòa qua thời gian, cùng sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa đã đặt ra những rào cản lớn. Để vượt qua, các thành viên Đội K72 đã tự học tiếng Khmer, tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân Campuchia. Hành trình công tác của đội là chuỗi ngày gian nan qua rừng rậm, đào bới hàng trăm ngàn mét khối đất, đá để tìm kiếm từng mảnh hài cốt. Đó không chỉ là sự nỗ lực về thể chất mà còn là hành trình tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh.
Sau hơn 14 giai đoạn, Đội K72 đã quy tập được 2.882 hài cốt liệt sĩ từ khắp các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, đưa các anh trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Đây là kết quả của sự kiên trì, lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong đội.
Không chỉ góp phần thực hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hành trình của Đội K72 còn là biểu tượng cho “Tình đoàn kết thủy chung, trong sáng của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Những hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, quy tập và đưa về quê hương là dấu mốc quan trọng trong hành trình tri ân và giữ gìn giá trị hòa bình, đoàn kết. Đội K72, với tinh thần tận tâm và ý chí bền bỉ, đã viết nên câu chuyện đầy xúc động, khắc sâu hình ảnh người lính Việt Nam không chỉ trong lòng dân tộc mà còn trong trái tim bạn bè quốc tế.
NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ Ý NGHĨA SÂU SẮC
Bình Phước nằm ở phía Bắc của miền Đông Nam Bộ, không chỉ là vùng chiến lược trong các cuộc kháng chiến mà còn là nơi lưu giữ những ký ức hào hùng về lịch sử dân tộc. Với 258,939km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia và là cửa ngõ cuối cùng của hệ thống vận tải Bắc - Nam, nơi đặt Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền, Bình Phước từng là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là nơi hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 16.000 hài cốt liệt sĩ, nhưng đến nay nhiều hài cốt vẫn chưa được tìm thấy hoặc chưa xác định được danh tính. Trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 8.000 hài cốt được quy tập tại 5 nghĩa trang liệt sĩ, nhưng hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ còn lại đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, các chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên nước bạn Campuchia, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đặc biệt quan tâm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo 515 đã quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, cơ quan ban chỉ đạo 24 huyện, thị xã, Đội K72 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị từng tham gia chiến đấu và nhân chứng thu thập thông tin, xác minh, kết luận địa bàn mà lực lượng vũ trang tỉnh là nòng cốt.
Một trong những khó khăn lớn nhất là sự thay đổi địa hình qua thời gian. Nhiều khu vực từng là nơi an nghỉ của các liệt sĩ nay đã bị san lấp, chuyển đổi công năng hoặc xây dựng thành các công trình đô thị. Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa khiến việc xác định vị trí phần mộ trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, địa hình tự nhiên của Bình Phước cũng là trở ngại không nhỏ. Các đội tìm kiếm phải hoạt động trong điều kiện rừng sâu, đồi núi hiểm trở, sông suối chằng chịt, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và những rủi ro về sức khỏe. Việc xác minh thông tin về vị trí hài cốt cũng gặp khó khăn lớn do thời gian trôi qua, thông tin không còn chính xác, nhiều nhân chứng lịch sử đã không còn. Thậm chí, dù có được thông tin cụ thể nhưng đội quy tập vẫn phải đối mặt với các tác động từ chiến tranh để lại, như bom mìn chưa phát nổ, hay sự thay đổi địa chất qua thời gian khiến việc tìm kiếm trở nên gian nan hơn.
Dẫu vậy, với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Bình Phước đã khắc phục khó khăn, tìm nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đội K72, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Riêng trong đợt 1, giai đoạn 2024-2025, Đội K72 đã tìm kiếm, quy tập được 103 hài cốt liệt sĩ - một thành quả to lớn, thể hiện sự kiên trì và nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Để đạt được những kết quả này, tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều hội thảo, rà soát thông tin và xác minh địa bàn, điển hình là tại sân bay huyện Lộc Ninh. Đây là một trong những khu vực trọng điểm từng diễn ra các trận chiến khốc liệt, nhưng kết quả tìm kiếm vẫn chưa được như mong muốn...
Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là hành động tri ân sâu sắc đối với những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Mỗi hài cốt được tìm thấy không chỉ ghi nhận công lao to lớn của các liệt sĩ mà còn mang lại niềm an ủi cho các gia đình, giúp họ có nơi để tưởng nhớ, thắp nén hương tri ân.
Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành việc xác minh 100% các khu vực có thông tin về hài cốt liệt sĩ, tổ chức an táng chu đáo, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thể hiện lòng biết ơn và trách nhiệm đối với các thế hệ cha anh. Dù gặp nhiều khó khăn, từng hài cốt được tìm thấy là một niềm hy vọng, một niềm tự hào và là lời nhắc nhở về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các đội quy tập và sự đồng lòng của chính quyền địa phương chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tri ân sâu sắc đối với lịch sử và những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.