Thiên tai trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm phức tạp, khó lường

Tỉnh Quảng Trị nằm trong vùng được cảnh báo luôn có rủi ro thiên tai cao, nhất là mưa bão. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết về việc bổ sung những giải pháp chủ động ứng phó thiên tai, trong bối cảnh thời tiết ngày càng khó lường. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn ông HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

-Thưa ông! Hậu quả của cơn bão số 3 để lại quá nặng nề đối với một số tỉnh ở miền Bắc. Lúc này, theo dự báo, các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị đang phải đối mặt với cơn bão số 4 được cho là nguy hiểm. Điều này càng thúc đẩy chính quyền, người dân Quảng Trị cảnh giác và chuẩn bị ứng phó với các tình huống thiên tai một cách cao nhất. Xin ông cho biết dự báo về tình hình thiên tai ở Quảng Trị trong mùa mưa bão năm nay?

-Thưa ông! Hậu quả của cơn bão số 3 để lại quá nặng nề đối với một số tỉnh ở miền Bắc. Lúc này, theo dự báo, các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị đang phải đối mặt với cơn bão số 4 được cho là nguy hiểm. Điều này càng thúc đẩy chính quyền, người dân Quảng Trị cảnh giác và chuẩn bị ứng phó với các tình huống thiên tai một cách cao nhất. Xin ông cho biết dự báo về tình hình thiên tai ở Quảng Trị trong mùa mưa bão năm nay?

-Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính. Dự báo, thời kỳ từ tháng 10-12/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60%-70%.

Như vậy, vào những năm có hiện tượng La Nina hoạt động mạnh thì không khí lạnh hoạt động liên tục với cường độ mạnh, lượng mưa lớn hơn so với trung bình nhiều năm, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành gần bờ và xuất hiện các cơn bão mạnh.

Nhận định của các cơ quan Khí tượng thủy văn về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có diễn biến phức tạp, khó lường; nguy cơ chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và các đợt mưa lớn, xảy ra tập trung trong khoảng tháng 9 đến tháng 11.

Mưa lũ năm 2020 từng làm sạt lở núi, gây ách tắc giao thông nhiều đoạn trên Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Khe Sanh- Hướng Lập) -Ảnh: T.L

Mưa lũ năm 2020 từng làm sạt lở núi, gây ách tắc giao thông nhiều đoạn trên Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Khe Sanh- Hướng Lập) -Ảnh: T.L

Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, cần lưu ý tính cực đoan, dị thường, trái quy luật của thời tiết, nhất là hướng di chuyển phức tạp, khó lường của các cơn bão/ATNĐ, mưa với cường suất lớn, dồn dập diễn ra trong thời gian ngắn cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc xoáy, mưa đá...

Đặc biệt lưu ý yếu tố kinh nghiệm dân gian và lịch sử của năm Giáp Thìn (quy luật 60 năm: năm 1904, bão đổ bộ vào miền Nam, tàn phá từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến tận Cà Mau làm gần 10.000 chết, cơ sở hạ tầng thiệt hại nặng nề; năm 1964, mưa đặc biệt lớn kết hợp bão đổ bộ đã nhấn chìm các tỉnh ven biển miền Trung, làm khoảng 10.000 người chết, cơ sở hạ tầng thiệt hại nặng nề, trong đó có tỉnh Quảng Trị; năm 2024, siêu bão Yagi và mưa lũ sau bão đã gây ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản đến các tỉnh khu vực Bắc Bộ và miền núi phía Bắc. Vì vậy, từ đây đến cuối năm cần đề phòng bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh.

-Được biết, Quảng Trị có tên trong danh sách 25 tỉnh, thành phố được Viện Khoa học địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập bản đồ hiện trạng trượt, lở đất, đá ở tỉ lệ 1: 50.000 để kịp thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đề nghị ông cho biết, những địa điểm nào trên địa bàn tỉnh được cảnh báo có nguy cơ trượt, lở đất, đá?

-Để đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Trị, năm 2018, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều tra tổng thể, đánh giá hiện trạng, nguy cơ trượt lở đất đá, đưa ra danh mục các vị trí xảy ra trượt lở trên địa bàn tỉnh, đề xuất một số giải pháp phòng tránh.

Qua điều tra đánh giá, kết quả ghi nhận được 158 vị trí có biểu hiện trượt lở và 241 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá. Nhiệm vụ mà Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã thực hiện năm 2018 mới là bước tiền đề để tiếp tục hoàn thiện đề án phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, trong khuôn khổ Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Địa chất Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ “Điều tra xây dựng bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét”. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đánh giá có 17 khu vực rủi ro sạt lở, tập trung ở 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa và 5 khu vực rủi ro sạt lở đất, lũ quét, tập trung ở Đakrông.

Vừa qua, trên cơ sở nội dung nhiệm vụ của Cục Địa chất Việt Nam thực hiện, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã rà soát, bổ sung thêm 17 khu vực rủi ro sạt lở đất cao, tập trung ở Hướng Hóa, Đakrông và 27 khu vực rủi ro lũ quét, sạt lở đất. Các vị trí điển hình như khu vực đồi núi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các xã của huyện Hướng Hóa: Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập; tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn qua xã Húc Nghì, huyện Đakrông...

Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, phối hợp, triển khai các nhiệm vụ, đề án đánh giá, phân vùng rủi ro các loại hình thiên tai, trong đó bao gồm sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét...nhằm đưa ra các giải pháp chủ động ứng phó chi tiết cho từng khu vực, địa bàn, giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra.

-Trên cơ sở đó, tỉnh đã chuẩn bị các giải pháp chủ động ứng phó phù hợp với từng mức độ, nguy cơ xuất hiện mưa lũ, trượt, lở đất, đá trong các mùa mưa bão như thế nào, thưa ông?

-Để chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa lũ đang đến gần, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo và yêu cầu triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thông qua các công điện, chỉ thị. Mới đây là kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, trong đó đã hoàn thiện việc rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh (UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2172/QĐ-UBND ngày 5/9/2024); cập nhật Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 (UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2173/QĐ-UBND ngày 5/9/2024). Phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực có nguy cơ sạt lở tương ứng với quy mô, mức độ nguy hiểm, bao gồm các phương án di dời dân đến nơi an toàn đã được đặt ra.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng, ban hành nhằm chủ động phòng tránh hiệu quả tại những khu vực sạt lở nguy hiểm, nhất là khi có mưa lũ xảy ra. Đặc biệt cần tập trung giải quyết dứt điểm trong công tác di dời dân đến nơi an toàn, không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc do chủ quan, lơ là.

Cùng với đó, cần tăng cường theo dõi diễn biến mưa lũ, cung cấp thường xuyên các bản tin cảnh báo, dự báo và chỉ đạo, hướng dẫn để người dân chủ động trong phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với nguy cơ trượt, lở đất, đá có thể xảy ra.

-Giải pháp hiệu quả về KT-XH trong phòng tránh thiên tai vẫn là quy hoạch không gian sống an toàn cho người dân. Ông có thể cho biết vấn đề này được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị như thế nào?

-Xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, thực hiện hiệu quả việc lồng ghép quy hoạch phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch tỉnh Quảng Trị. Theo đó, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nội dung phòng, chống thiên tai đã được phân tích, định hướng, đưa vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo quan điểm phát triển KT-XH phải gắn liền với chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng bền vững. Điển hình, phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu, quy hoạch không gian (khu dân cư, khu kinh tế, sản xuất, dịch vụ...) phải xét đến yếu tố chủ động phòng, tránh, thích ứng với lũ, ngập lụt, sạt lở...và các loại thiên tai phổ biến khác thường xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả nội dung quy hoạch đã được duyệt, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đề ra kế hoạch, định hướng triển khai nhiệm vụ chi tiết, cụ thể hóa việc lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đã được chỉ ra trong Quy hoạch tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp tương ứng theo từng ngành, từng địa bàn, lĩnh vực. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần nâng cao năng lực phòng, tránh thiên tai, khả năng chống chịu, giảm thiểu các thiệt do thiên tai gây ra, hướng đến xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững trước thiên tai.

-Xin cảm ơn ông!

Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thien-tai-tren-dia-ban-tinh-tu-nay-den-cuoi-nam-phuc-tap-kho-luong-188500.htm
Zalo