Thiên tài Igor Stravinsky và nhạc phẩm Nghi lễ mùa xuân

Igor Stravinsky là một nhà soạn nhạc người Nga, từng được tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ngoài danh tiếng là một nhà soạn nhạc, Stravinsky còn được biết đến là một nghệ sĩ piano và chỉ huy dàn nhạc có tiếng. 'Nghi lễ mùa xuân' được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu và rực rỡ nhất, thể hiện rõ nét phong cách âm nhạc độc đáo của nhà soạn nhạc người Nga.

Igor Stravinsky là con một nghệ sĩ giọng bass nổi tiếng của nhà hát Opera Hoàng gia St.Petersburg. Stravinsky chơi piano từ rất nhỏ và sớm biết ứng tác trên cây đàn. Nhưng ông lại không thích học piano một cách bài bản và có hệ thống. Tuy nhiên, Stravinsky đã gắn bó với piano đến tận cuối đời, đến nỗi ông không thể sáng tác mà lại thiếu cây đàn này.

Coi con trai mình là một người lập dị, bố mẹ Igor Stravinsky đã hướng con vào khoa luật trường Đại học tổng hợp. Họ không ngờ đây chính là quãng thời gian Igor nghe nhạc nhiều nhất, đặc biệt là các tác phẩm của Tchaikovsky, Glinka và Rimsky-Korsakov. Và chính Rimsky-Korsakov đã khuyến khích ông bắt tay vào con đường sáng tác.

Igor Stravinsky là một trong số những nhà soạn nhạc người Nga có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ảnh: musincantus

Igor Stravinsky là một trong số những nhà soạn nhạc người Nga có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ảnh: musincantus

Trong sự nghiệp âm nhạc của Stravinsky, “Nghi lễ mùa xuân” được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu và rực rỡ nhất, thể hiện rõ nét phong cách âm nhạc độc đáo của nhà soạn nhạc Nga. “Nghi lễ mùa xuân” còn được xem là một trong số những tác phẩm vĩ đại của thế kỷ 20 với những nét cách tân, đột phá táo bạo và vẻ đẹp nguyên sơ của văn hóa dân tộc Nga. Chính những ấn tượng mạnh mẽ mà “Nghi lễ mùa xuân” đem lại cho người nghe ngay từ những nốt nhạc đầu tiên đã báo hiệu một số phận đầy bão tố của tác phẩm.

Để có được tác phẩm “Nghi lễ mùa xuân”, Stravinsky đã phải lao tâm khổ tứ hơn hai năm. Tuy đã sẵn ý tưởng soạn một tác phẩm về tục hiến tế mùa xuân của đa thần giáo Nga, nhưng Stravinsky không thể thực hiện được điều này nếu thiếu vắng sự trợ giúp của một nhà khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa dân gian. Tuy nhiên buổi ra mắt đầu tiên của tác phẩm đã không hề may mắn.

Năm 1987, đoàn múa ballet Joffrey đã sử dụng trang phục, đạo cụ và vũ điệu gốc, đúng như khi tác phẩm "Nghi lễ mùa xuân" trình diễn lần đầu năm 1913. Ảnh: Herb Migdoll

Năm 1987, đoàn múa ballet Joffrey đã sử dụng trang phục, đạo cụ và vũ điệu gốc, đúng như khi tác phẩm "Nghi lễ mùa xuân" trình diễn lần đầu năm 1913. Ảnh: Herb Migdoll

Ngay khi những âm thanh đầu tiên vang lên, nhà soạn nhạc người Pháp - Camille Saint – Saens đã đùng đùng bỏ về vì không chịu nổi thứ âm thanh kỳ dị này. Những khán giả Paris còn lại kiên nhẫn hơn nhà soạn nhạc danh tiếng nhưng cũng bộc lộ ngay phản ứng khi thấy trên sân khấu là tác phẩm nghệ thuật nào đó không phải về mùa xuân như họ tưởng. Những tiếng la hét, huýt sáo la ó vang lên trong thính phòng. Đám đông tức giận và cảnh sát Paris đã phải vào cuộc.

Âm nhạc của Stravinsky nổi bật ở sự sắc sảo và tinh tế của ý đồ sáng tác, sự độc đáo của các thủ pháp, tính chất cân đối cô đọng và hợp lý của cấu trúc, tài nghệ điêu luyện trong phối khí. Ông sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, từ những ê-tuýt piano, ba giao hưởng, tác phẩm cho hát với dàn nhạc, nhạc kịch… nhưng nổi bật nhất là sáng tác vũ kịch.

Trong sinh nhật 80 tuổi của Stravinsky, các tác phẩm của ông được trình diễn. Ông được ngoại trưởng Mỹ tặng huy hiệu vàng và được Tổng thống Kennedy mời viếng thăm nhà Trắng. Ông đã nhận được huy hiệu vàng của Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Mỹ./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thien-tai-igor-stravinsky-va-nhac-pham-nghi-le-mua-xuan-202795.htm
Zalo