Thiên tai gây thiệt hại ở nhiều địa phương, cần chủ động ứng phó với mưa lớn

Theo dự báo, mưa lớn sẽ diễn ra trong những ngày tới. Do vậy, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai thực hiện công văn số 2254/BNNMT-ĐĐ ngày 20/5/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc chủ động ứng phó với mưa lớn; các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Những ngày qua, một số địa phương đã có mưa khá lớn. Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN

Những ngày qua, một số địa phương đã có mưa khá lớn. Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN

Ứng phó thiên tai kịp thời

Các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ nguy cơ gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng tại chỗ, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhất là tại những khu vực đã bị thiệt hại do mưa lớn thời gian vừa qua. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá.

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn những ngày qua trên nhiều khu vực đã gây thiệt hại lớn tại các địa phương.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến 19 giờ ngày 21/5, mưa lớn đã làm 1 người chết (bà H.Y. P, sinh năm 1968, trú tại bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An do bị nước cuốn trôi khi đi qua khe suối); 556 nhà bị ngập, sạt lở và hư hỏng (Hà Giang 8, Tuyên Quang 302, Bắc Kạn 246); 728,19ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (Cao Bằng 166,28ha, Bắc Kạn 355,4ha, Hà Giang 54,85ha, Tuyên Quang 184,96ha, Thái Nguyên 16,7ha); 21ha rừng bị thiệt hại (Nghệ An); 29,88ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Hà Giang 4,48ha, Bắc Kạn 16,2ha, Tuyên Quang 9,2ha); 1.693 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi (Bắc Kạn 240, Tuyên Quang 1.353, Thái Nguyên 10); 6 cột điện bị hư hỏng (Bắc Kạn 4, Tuyên Quang 2); 2 công trình thủy lợi bị hư hỏng, 100m đường ở huyện Sơn Dương bị hư hỏng, 2.241 m3 đất đá taluy dương bị sạt lở (Tuyên Quang); 1 điểm trường bị ảnh hưởng, sạt lở 2 vị trí đường giao thông nông thôn với khối lượng khoảng 200 m3 đất đá, (Nghệ An).

Bên cạnh đó, đã có 175m kè, kênh mương bị sạt trôi, khoảng 930m bờ sông suối bị sạt lở, 2 công trình thủy lợi bị gẫy đổ, vùi lấp tại huyện Bạch Thông. Trạm Y tế xã Địa Linh bị sạt lở taluy khoảng 50 m3; trạm Y tế xã Yến Dương bị đổ toàn bộ tường rào, toàn bộ vật tư y tế bị cuốn trôi, ngập hỏng hoàn toàn; đường bê tông kết nối từ ĐT 258, qua khu vực Tổng Luyên sang Quốc lộ 279 bị sạt taluy âm.

Cùng với đó, đường vòng hồ Ba Bể nhiều đá lăn; đường ĐT253 tắc tràn tại km10+800; ĐT257B tắc tràn tại Km 24+400, Km 23+700, Km 25+650 - Km25+800. Trên tuyến đường ĐT.258 xuất hiện nhiều vị trí đất đá sụt lở ta luy dương, đất tràn mặt đường.

Tại xã Địa Linh (huyện Ba Bể) sạt lở taluy dương 7 điểm giao thông nông thôn với khối lượng khoảng 10.000 m3. Tại xã Yến Dương, 8 cầu cứng bị hư hỏng, nhiều tuyến đường bị sạt lở. Tại xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn) có 30m tuyến đường liên thôn bị sạt lở (Bắc Kạn); sạt ;ở 50 m đường với 300 m3 đất đá ở km 6 tỉnh lộ 136 thuộc xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu...

Ngoài ra, trên tuyến sông Ô Môn thuộc ấp Thới Khánh A, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 35m, chiều rộng 2,5m, sâu khoảng 6m. Sạt lở đã làm 1 căn nhà bị đổ xuống sông...

Thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương, trong đó ước thiệt hại về kinh tế tại tỉnh Bắc Kạn khoảng 97 tỷ đồng; ước thiệt hại tại tỉnh Tuyên Quang khoảng trên 6,1 tỷ đồng.

Diện tích lúa, ngô, bí xanh tại huyện Ba Bể (Bắc Kạn) bị vùi lấp, gẫy đổ. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN

Diện tích lúa, ngô, bí xanh tại huyện Ba Bể (Bắc Kạn) bị vùi lấp, gẫy đổ. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nạn, đồng thời huy động lực lượng triển khai công tác khắc phục hậu quả và tiếp tục rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại, tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ người dân ở các khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Thanh Hóa và Nghệ An nguy cơ lũ quét, sạt lở

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 20 giờ 40 phút ngày 21/5 đến 2 giờ 40 phút ngày 22/5, khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như Thanh Hóa từ 20 - 40mm, có nơi trên 40mm; Nghệ An từ 30 - 70mm, có nơi trên 70mm... Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Thạch Thành, Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa): Anh Sơn, Đô Lương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Yên Thành (tỉnh Nghệ An). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Cơ quan khí tượng thủy văn lưu ý người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực. Đồng thời, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương bị ảnh hưởng lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh.

Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trước tình hình trên, các khu vực chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập úng lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...

Từ 16 giờ đến 19 giờ ngày 21/5, khu vực các tỉnh trên đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to như: Trung Sơn (Thanh Hóa) 56,8mm, Hội Sơn (Nghệ An) 64,6mm ; ...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/thien-tai-gay-thiet-hai-o-nhieu-dia-phuong-can-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lon-20250521205753513.htm
Zalo