Thiên tai cực đoan bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

Mới đầu mùa mưa nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục đối mặt với những hậu quả nặng nề do thời tiết cực đoan gây ra. Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian tới, tình trạng này sẽ tiếp tục xuất hiện.

Đường sá, nhà cửa tan hoang

Mới đầu mùa mưa, nhưng tình trạng sạt lở tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang liên tiếp xảy ra. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng, đến nay, địa phương ghi nhận có khoảng 454 điểm sạt lở, sụt lún đường giao thông, với tổng chiều dài gần 11,5km. Đặc biệt, Tỉnh lộ 965 có đoạn sạt lở theo phương thẳng đứng, sâu; có đoạn đứt gần hết mặt đường, lấn sát vào mép nhà dân; 42 căn nhà dân bị ảnh hưởng, sụt lún xuống kênh, ước tính tổng thiệt hại hơn 220 tỷ đồng.

Ông Dương Quốc Khởi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết: “Mưa xuống làm đất mềm nên những đoạn đường bị rạn nứt có nguy cơ sạt lở cao. Địa phương đã vận động 116 hộ dân di dời đến nơi an toàn, ban đêm không còn ngủ ở những ngôi nhà có nguy cơ sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản”.

Nhiều tuyến đường ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang bị sạt lở gây khó khăn đi lại của người dân.

Nhiều tuyến đường ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang bị sạt lở gây khó khăn đi lại của người dân.

Còn ở Bạc Liêu - một trong những tỉnh ven biển nằm trong khu vực Bán đảo Cà Mau có bờ biển dài 56km, địa hình thấp nên rất dễ bị tác động của nước biển dâng và các thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn…

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện tương đối nhiều, tốc độ sạt lở bờ sông ở các khu vực trên 1-2m/năm như: Sạt lở bờ sông Gành Hào, bờ kênh Bạc Liêu - Cà Mau, bờ kênh 30/4, kênh Quản lộ Giá Rai, kênh Cạnh Đền - Hộ Phòng, kênh Láng Trâm, kênh Nước Mặn, kênh Cả Vĩnh...

 Thời tiết cực đoan gây hậu quả nghiêm trọng được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời tiết cực đoan gây hậu quả nghiêm trọng được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Các khu vực tuyến sông, kênh rạch còn lại có tốc độ sạt lở từ 0,3 đến 0,5m/năm. Gần đây nhất là vụ sạt lở liên quan đến 12 căn nhà của các hộ dân ở thị xã Giá Rai. Ngoài ra, có hơn 20 căn nhà khác cũng bị ảnh hưởng rạn nứt và có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới.

Là một trong những hộ bị ảnh hưởng của vụ sạt lở, ông Trần Tấn Lực, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai cho biết: “Khoảng một tháng trước, tôi phát hiện nhà sau của mình có những vết rạn nứt. Cách đây khoảng một tuần, sạt lở xảy ra cuốn trôi toàn bộ nhà sau của gia đình xuống sông, rất may là không gây thiệt hại về người. Không chỉ tôi mà những hộ sống ven khu vực sạt lở đều chung tâm trạng bất an, thấp thỏm, lo sợ nhà có thể bị trôi tụt xuống sông bất cứ lúc nào”.

Trường học bị ảnh hưởng bởi sạt lở.

Trường học bị ảnh hưởng bởi sạt lở.

Theo thống kê từ ngành chức năng, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay, địa phương này đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.

Mưa đá lần đầu xuất hiện tại miền Tây

Cùng với sạt lở, thời gian qua các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn liên tiếp đón nhận những trận mưa lớn, kèm theo dông lốc. Nhiều nơi trong vùng còn xuất hiện mưa đá khiến người dân không khỏi bất ngờ.

Sạt lở ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hồi tháng 6 khiến nhà dân bị sạt xuống sông, thiệt hại nghiêm trọng.

Sạt lở ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hồi tháng 6 khiến nhà dân bị sạt xuống sông, thiệt hại nghiêm trọng.

Cụ thể, mưa đá đã xuất hiện tại huyện Châu Thành và một phần huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Người dân địa phương cho biết, mưa đá diễn ra khoảng 5 phút, sau đó thì cơn mưa lớn kéo dài khoảng 45 phút. Những hạt mưa đá chỉ cỡ đầu ngón tay út nên không gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Bà Lê Thị Sớm, 61 tuổi, ngụ ấp Me, thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang), cho biết: “Tôi đang nằm trong nhà thì nghe tiếng lộp độp trên mái nhà tôi ra xem thì phát hiện những viên đá nhỏ bằng đầu ngón tay lẫn trong mưa. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt mưa đá".

Tương tự tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cũng xuất hiện mưa đá. Tuy chỉ diễn ra 10 phút nhưng cũng gây bất ngờ cho người dân. Ông Huỳnh Văn Bằng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ cho biết: “Đây là lần đầu tiên mưa đá được ghi nhận trên địa bàn. Cơn mưa đá kéo dài khoảng 10 phút. Mưa đá thường xuất hiện khi thời tiết nắng nóng kết hợp mây đối lưu phát triển. Trước đó, đơn vị chức năng cũng đã phát đi cảnh báo mưa dông, lốc xoáy và mưa đá tại khu vực huyện Cờ Đỏ và các huyện lân cận. Dù mưa đá không gây thiệt hại, tuy nhiên, sau đó mưa dông kéo dài đã làm sập một căn nhà, tốc mái, hư hỏng 40 căn khác và làm một người chết”.

Mưa dông làm sập nhà dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Mưa dông làm sập nhà dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Dự báo về tình hình thiên tai đến cuối năm 2024, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho hay, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan (gồm cả tối thấp và tối cao). Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai khí tượng thủy văn phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc, mưa đá.

“Những chuyển động bất thường của thời tiết đang tạo sức ép buộc chúng ta phải chuyển động nhanh hơn, tích cực hơn trong giải pháp thích nghi và ứng phó. Đây không còn đơn thuần chỉ là một công việc, mà là quá trình liên tục. Việc nâng cao nhận thức và chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp bảo vệ cuộc sống và tài sản của chúng ta, đồng thời xây dựng một tương lai bền vững và an toàn hơn”, ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/thien-tai-cuc-doan-bua-vay-dong-bang-song-cuu-long-785323
Zalo