Thích ứng hiệu quả biến động của thị trường xuất khẩu
Theo cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 có thể đạt được khi hiện nay hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã phục hồi và tăng trưởng tốt.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương
Đơn hàng xuất khẩu khả quan
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng quay trở lại công việc. Những ngày đầu xuân, không khí làm việc rất sôi động, tinh thần người lao động phấn khởi do đơn hàng của nhiều DN có đến quý II-2025. Hiện nhiều DN ráo riết tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu đơn hàng.
Ông Nguyễn Quang Phong, Phòng nhân sự Công ty TNHH bao bì Vĩnh Hưng Đạt (Khu công nghiệp Tân Bình), cho biết đầu năm 2025 công ty có nhiều đơn hàng hơn cùng kỳ nên nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng. Thời điểm này, tìm kiếm nguồn lao động phổ thông đã khó, nên việc công ty tuyển dụng người lao động có tay nghề cao càng khó khăn hơn. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã triển khai nhiều hoạt động như đăng thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh truyền thông, tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động...
Sự định hướng đầu tư đúng đắn của DN đã và đang mang lại hiệu quả khi DN bắt nhịp nhanh với sự phục hồi của các thị trường nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đây là động lực quan trọng để Bình Dương đạt mục tiêu tăng trưởng 12% xuất khẩu trong năm nay. Ông Phan Thành Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), cho biết thời gian qua công ty đã nỗ lực, chủ động ứng phó với những khó khăn được dự báo trước trên thị trường. Bên cạnh đó, công ty tận dụng tối đa cơ hội để đa dạng nguồn nguyên liệu thông qua việc nâng tỷ lệ nội hóa nguyên liệu...
“Để có thể đón nhận các đơn hàng mới, thời gian qua các DN dệt may đã có quá trình chuẩn bị, thích ứng tốt, trong đó tập trung đổi mới công nghệ sản xuất. Nhiều DN đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa để nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu giao hàng nhanh chóng hơn. Trong thời gian tới, DN dệt may cần cập nhật thông tin và tuân thủ các quy định để tránh bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu; tăng cường năng lực cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Phan Thành Đức chia sẻ.
Thích ứng hiệu quả
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Bình Dương, cho biết năm 2025, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, các DN trong ngành phải nỗ lực rất nhiều. DN cần tái cấu trúc để không bị động trước những biến động mới, nhất là sự thay đổi chính sách, quy định nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ, nơi chiếm gần 40% tỷ trọng xuất khẩu của ngành. “Trước hết, DN cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng để giúp DN trụ vững trên thị trường. Bên cạnh đó, mỗi thị trường xuất khẩu đều có những tiêu chuẩn khác nhau nên DN cần bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn này để duy trì và mở rộng thị phần. Trong bối cảnh một số nước lân cận Việt Nam bị Hoa Kỳ đánh thuế, các cơ quan chức năng cần rà soát kỹ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tránh tối đa rủi ro đến từ việc hàng hóa Việt bị cảnh báo về nguy cơ chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để né thuế, dẫn đến các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn”, ông Vũ nói.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong bối cảnh hiện nay DN cần chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh trên thị trường nội và ngoài nước; nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. DN cũng cần đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng; đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý...
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết hệ thống hải quan Bình Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao để tăng cường khả năng giám sát và xử lý nhanh chóng các giao dịch xuất nhập khẩu. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động hải quan mà còn tăng cường sự minh bạch trong công tác thuế và xuất nhập khẩu.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trước những biến động khó lường của thị trường thế giới, DN cần tận dụng thật tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, thực thi để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, theo hướng đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa cơ hội. Bên cạnh tận dụng những ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại, cũng như thích ứng với khó khăn, thách thức từ thị trường xuất khẩu, DN cần nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội và lợi thế lớn từ các FTA thế hệ mới…