Thị xã Sơn Tây khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Ngày 8-9, sau khi bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) tập trung đánh giá, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời huy động lực lượng khẩn trương dọn dẹp, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sơn Tây, do ảnh hưởng của bão số 3, thiệt hại ban đầu trên địa bàn thị xã là: 424 cây các loại bị gãy, đổ; đổ 4 cột điện trung áp, hư hỏng 2 máy biến áp và 2 vị trí hỏng thiết bị trên đường dây, 2 dây viễn thông bị đứt; 6 vụ tốc mái, 1 chuồng bò bị sập mái do cây đổ đè vào; 3 ngôi nhà mái tôn bị đổ sập do cây đổ. Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm bị tốc bay vỡ một số hàng ngói trên tầng 3, bay rơi nhiều tấm trần nhà đa năng, đổ vỡ 1 số biển bảng. Trường Trung học cơ sở Phùng Hưng bị tốc ngói 3 khu nhà. Trường Trung học cơ sở Trung Sơn Trầm bị tốc mái tôn tầng 3.
Về sản xuất nông nghiệp, toàn thị xã có 27 ha lúa bị ngập; 262,5 ha lúa bị gãy đổ; cây màu, cây rau, cây khác bị ngập 1,6ha, gãy đổ 15,9 ha. Trên địa bàn không có thiệt hại về người do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Để đảm bảo tốt việc khắc phục các hậu quả do bão gây ra, sáng 8-9, lãnh đạo thị xã Sơn Tây trực tiếp kiểm tra công tác xử lý các thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số xã, phường và chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phòng chống tác hại thiên tai.
Thay mặt lãnh đạo thị xã, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, hệ thống chính trị các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp tục khắc phục hậu quả do bão gây ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị, khu dân cư, tổ dân phố và nhà mình để sớm đưa thị xã Sơn Tây trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.
UBND các xã, phường chủ động tổ chức giải tỏa kịp thời cây đổ, gãy không để ùn tắc giao thông. Rà soát cây xanh, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gây mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Các đơn vị cần tiếp tục duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các điếm canh đê cũng như các đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra.
"Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và tình hình mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân trên địa bàn", đồng chí Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.