Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa): Lao đao nghề nuôi cá lồng

Nghề nuôi cá lồng trên vịnh Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) từng đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người nuôi cá đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí phải bỏ nghề khi số lồng bè trở nên quá tải, môi trường nước trong vịnh bị ô nhiễm nghiêm trọng…

Nghề nuôi cá lồng tại vịnh Nghi Sơn đang gặp khó khăn vì môi trường nước bị ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Nghề nuôi cá lồng tại vịnh Nghi Sơn đang gặp khó khăn vì môi trường nước bị ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Mang nợ vì cá lồng

Có mặt ở khu vực nuôi cá lồng, bè ở vụng Ngọc, xã Nghi Sơn, chúng tôi cảm nhận không khí nuôi trồng thủy sản nơi đây không còn nhộn nhịp như những năm về trước. Nhiều bè cá neo trên vịnh chỉ còn là cái xác rỗng, không người nuôi thả, trông coi. Ô nhiễm môi trường đang trở thành hiểm họa, đẩy người nuôi cá ở đây vào thảm cảnh tay trắng và lâm vào nợ nần chồng chất…

Ông Nguyễn Trọng Luật - một người có gần 20 năm gắn bó với nghề ở xã đảo Nghi Sơn cho biết: Vào thời điểm nghề nuôi cá lồng mới bắt đầu manh nha tại đây, nguồn thu nhập từ các lồng, bè cá đem lại là điều mơ ước của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, cũng từ lợi nhuận cao mà số lượng các hộ nuôi tự phát ngày càng tăng đột biến. Nhiều hệ lụy nảy sinh như mật độ nuôi dày đặc, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh cá thường xuyên bị chết, người nuôi cá liên tục thua lỗ.

Năm 2021, ông Luật cũng như nhiều hộ dân khác phải gánh chịu đợt cá chết hàng loạt. Toàn bộ số ô lồng cá kỳ thu hoạch của gia đình ông Luật lên tới cả chục tấn, cá chết nổi trắng bụng. Từ 6 lồng, với chục ô nuôi, đến nay chỉ còn 1 lồng với 4 ô nuôi. “Nếu không có gì thay đổi thì tôi sẽ giải bản toàn bộ số ô lồng còn lại trong khu vực lòng vịnh và hướng đến đầu tư nuôi thả ở khu vực mới, ngoài đảo Mê. Cứ kéo dài, đeo đẳng ở đây thì chẳng mấy năm mà phá sản hoàn toàn” - ông Luật lo lắng nói.

Ông Luật là một trong số ít những trường hợp còn may mắn có vốn sau khi giải thể những lồng cá trên vụng Ngọc, còn với những hộ dân khác, mặc dù thua lỗ, tuy nhiên để người dân giải bản là rất khó khăn, bởi chi phí đầu tư ô lồng nuôi lớn, khi giải bản gần như bà con không thu được gì. Bên cạnh đó, đa phần các hộ nuôi đều đang nợ ngân hàng, để giải bản hoặc di dời, đầu tư đến một khu vực mới là rất khó khăn, cần sự hỗ trợ.

Kiên quyết xử lý việc nuôi tự phát

Như đã nói ở trên, do lợi nhuận mang lại từ nghề nuôi cá lồng lớn, khoảng chục năm trở lại đây, các hộ dân ở các phường, xã ven biển khác đã tự phát mở rộng quy mô về cả số hộ và số lồng nuôi. Có thể kể đến như, tại khu vực vụng Ngọc, khu vực âu neo đậu tàu thuyền, cảng cá Lạch Bạng, khu vực luồng lạch ven sông Bạng... Năm 2022 trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có tổng số 3.589 ô lồng/181 hộ nuôi.

Trước tình trạng nuôi thả tự phát diễn ra phức tạp, vấn đề nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, hoạt động súc rửa tàu thuyền hàng ngày với số lượng lớn tại các khu neo đậu... khiến cho nghề nuôi cá lồng của người dân đi vào ngõ cụt. Bên cạnh đó, việc các hộ dân tự phát mở rộng quy mô nuôi đã lấn chiếm luồng lạch, khu neo đậu tàu thuyền, khu vực ven sông Bạng, gây cản trở cho các tàu thuyền ra vào.

Ngày 1/3/2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã có kế hoạch xử lý việc nuôi trồng thủy sản tự phát trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Mục đích nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời và thực hiện giải bản toàn bộ ô lồng nuôi trồng thủy sản tự phát không theo quy hoạch, đảm bảo an toàn tại các khu vực âu neo đậu tàu thuyền, cảng cá và đường thủy nội địa ở các cửa lạch, lòng sông. Qua đó, từng bước thu hẹp và tiến tới giải bản toàn bộ lồng bè nuôi trồng không đúng quy hoạch.

Ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết: Chính quyền địa phương đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải bản các ô lồng nuôi thả cá. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động bà con nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo. Cụ thể, chỉ sau 2 năm, từ năm 2022 đến năm 2024, đã giảm từ 74 hộ nuôi với 1.702 ô lồng xuống còn 23 hộ nuôi với 552 ô lồng.

“Mới đây, sau chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa đã cùng lực lượng chức năng vận động, tuyên truyền tháo dỡ, di dời được 40 bè, mảng nuôi hàu, vẹm trái phép lấn chiếm mặt nước” - ông Nguyễn Thế Anh cho biết thêm.

Ông Lê Văn Thăng - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa cho biết: Ban Quản lý cảng cá tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan kiên quyết di dời, giải bản toàn bộ các trường hợp nuôi trồng thủy sản tự phát trái phép để đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào, neo đậu tại âu tránh trú bão.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-xa-nghi-son-thanh-hoa-lao-dao-nghe-nuoi-ca-long-10287016.html
Zalo