Thị xã Duyên Hải: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ không chỉ là di sản văn hóa của Việt Nam mà còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Nam Bộ mà còn là một phần quan trọng trong kho tàng nghệ thuật thế giới. Trước sự phát triển của đời sống hiện đại, việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này đang được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, với nhiều giải pháp thiết thực nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ĐCTT Phường 1 do chú Tư Bổng làm chủ nhiệm.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ĐCTT Phường 1 do chú Tư Bổng làm chủ nhiệm.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Duyên Hải có hơn 30 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT hoạt động hiệu quả. Các CLB này không chỉ góp phần duy trì và phát triển nghệ thuật truyền thống mà còn thể hiện vai trò trong việc giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt, các thành viên CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ, giao lưu biểu diễn tại các chương trình văn hóa - văn nghệ, sự kiện chính trị quan trọng của thị xã, đồng thời tham gia hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh.

Một số CLB hoạt động hiệu quả như CLB ĐCTT thị xã Duyên Hải của ông Phạm Hồng Sơn (chú Hai Sơn), CLB tại Đình thần Song Lộc, Phường 1 của ông Hà Văn Thuộc (chú Tư Thuộc), hay CLB của ông Châu Thiên Bổng (chú Tư Bổng) làm chủ nhiệm… Những CLB này không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn phát huy giá trị ĐCTT trong đời sống đương đại.

Theo ông Lê Văn Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã Duyên Hải, việc duy trì và phát triển các CLB ĐCTT có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa địa phương.

Ông Đoàn chia sẻ: chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các CLB có thể hoạt động sôi nổi, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Ngoài việc tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn của thị xã, các CLB còn được hỗ trợ để tham gia hội thi, hội diễn cấp tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng nghệ thuật và gắn kết cộng đồng.

Dù được UNESCO công nhận, phong trào ĐCTT tại Duyên Hải vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn: Thứ nhất, sự quan tâm của giới trẻ còn hạn chế. Trước sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng kế thừa cho phong trào ĐCTT. Thứ hai, nguồn lực hỗ trợ chưa đồng đều. Mặc dù các CLB hoạt động tích cực, nhưng cơ sở vật chất, nhạc cụ và trang phục biểu diễn vẫn còn nhiều hạn chế. Một số CLB gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động thường xuyên do thiếu kinh phí. Thứ ba, ảnh hưởng của đời sống hiện đại. Cuộc sống ngày càng bận rộn khiến nhiều nghệ nhân, tài tử không có nhiều thời gian dành cho sinh hoạt CLB, làm phong trào có phần trầm lắng ở một số địa phương.

Chương trình văn nghệ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 của CLB ĐCTT tại đình thần Song Lộc do chú Tư Thuộc làm chủ nhiệm.

Chương trình văn nghệ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 của CLB ĐCTT tại đình thần Song Lộc do chú Tư Thuộc làm chủ nhiệm.

Để đảm bảo nghệ thuật ĐCTT tiếp tục phát triển bền vững và vươn tầm quốc tế, cần có những giải pháp cụ thể và thiết thực: cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền về giá trị và ý nghĩa của ĐCTT trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Các trường học có thể lồng ghép nội dung giới thiệu ĐCTT vào chương trình giảng dạy hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để học sinh có cơ hội tiếp cận với loại hình nghệ thuật này.

Để khắc phục tình trạng thiếu lực lượng kế thừa, các CLB có thể tổ chức lớp học ĐCTT miễn phí hoặc thu học phí thấp để thu hút thanh thiếu niên tham gia. Các nghệ nhân có kinh nghiệm nên đóng vai trò hướng dẫn, truyền đạt kỹ thuật đờn ca cho thế hệ trẻ, giúp họ tiếp cận với bộ môn nghệ thuật truyền thống này một cách bài bản. Chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí, nhạc cụ và trang phục biểu diễn cho các CLB ĐCTT. Đồng thời, tạo điều kiện để các CLB có không gian sinh hoạt thuận lợi, giúp các nghệ nhân có thêm động lực duy trì và phát triển phong trào.

Việc tổ chức các buổi giao lưu giữa các CLB trong và ngoài tỉnh không chỉ giúp nâng cao chất lượng biểu diễn mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa các nghệ nhân. Các hội thi, hội diễn ĐCTT cấp huyện, cấp tỉnh cũng cần được duy trì thường xuyên nhằm tạo sân chơi chuyên nghiệp, thu hút sự quan tâm của công chúng và khơi dậy niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống.

Thị xã Duyên Hải có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch gắn với nghệ thuật ĐCTT. Các điểm du lịch sinh thái, homestay có thể kết hợp tổ chức các chương trình biểu diễn ĐCTT phục vụ du khách. Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá văn hóa địa phương mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho nghệ nhân và các CLB.

Bảo tồn và phát huy ĐCTT tại thị xã Duyên Hải không chỉ là trách nhiệm của riêng các nghệ nhân, mà cần có sự chung tay của chính quyền, cộng đồng và đặc biệt là thế hệ trẻ. Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức, nghệ thuật ĐCTT sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh mẽ, không chỉ là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam mà còn là niềm tự hào của nhân loại, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Bài, ảnh: ĐỨC HUY

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/tra-vinh-diem-den/thi-xa-duyen-hai-bao-ton-va-phat-huy-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-43415.html
Zalo