Thị xã Bỉm Sơn phát triển chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân

Hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, thị xã Bỉm Sơn đã, đang tích cực đẩy mạnh phát triển chính quyền số. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị trên địa bàn thị xã.

Việc giải quyết thủ tục hành chính được cán bộ, công chức bộ phận một cửa phường Lam Sơn nỗ lực không trễ hẹn.

Việc giải quyết thủ tục hành chính được cán bộ, công chức bộ phận một cửa phường Lam Sơn nỗ lực không trễ hẹn.

Chuyển đổi số (CĐS) được xác định với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu được thị xã Bỉm Sơn khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử. UBND thị xã đã quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển chính quyền số nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Đến nay, 100% các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thị xã, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và UBND các phường, xã thực hiện chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, trao đổi văn bản trên môi trường điện tử. Đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, ký số hoàn toàn trên môi trường điện tử (trừ văn bản có hồ sơ mật theo quy định). Trong năm 2024, UBND thị xã Bỉm Sơn đã tổ chức 35 hội nghị dưới hình thức trực tuyến. Cùng với đó, tổ chức 65 cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có 52 cuộc được tổ chức trên môi trường số, đồng thời thông báo kết luận, kết quả thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử đạt 80%.

Tại phường Lam Sơn, Tổ CĐS đã nhanh chóng ra quân cài đặt chữ ký số cá nhân, đồng thời vận động các hộ sản xuất, kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử. Đến nay, 50,3% dân số trong độ tuổi trưởng thành được cài đặt chữ ký số cá nhân; nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử. Cũng từ việc đẩy mạnh phát triển chính quyền số, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn Trịnh Ngọc Hoàng cho biết: "Việc phát triển chính quyền số, trong đó có số hóa, giải quyết thủ tục hành chính được phường thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu được trang bị máy tính và kết nối mạng LAN, WAN và internet, đồng thời sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Chính vì vậy, quá trình số hóa đảm bảo nhanh chóng, đầy đủ, chính xác dữ liệu hồ sơ, giấy tờ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nỗ lực đảm bảo việc trả kết quả đúng hạn, không để trễ hẹn".

Một trong những kết quả nổi bật của việc đẩy mạnh phát triển chính quyền số đó là việc giải quyết, thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng và thuận tiện. Đến nay, thị xã đã cung cấp 238 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình phục vụ các cá nhân, tổ chức. Cũng từ đó đã thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia CĐS, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%; người dân tích cực sử dụng ứng dụng CNTT, dịch vụ công trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Mai Thế Trị cho biết: “Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết và lợi ích thiết thực của CĐS, trong đó có phát triển chính quyền số được đặc biệt quan tâm. Tổ chức tuyên truyền đến đâu, UBND thị xã đã kết hợp với doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, cung cấp các dịch vụ về CĐS đến đó. Đến nay, 100% các thủ tục hành chính đã được niêm yết công khai trên các cổng thông tin điện tử từ thị xã đến các xã, phường; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 100%; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, một số mô hình tiêu biểu về CĐS như: “Chuyển đổi số” trong quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thị xã; Ứng dụng CNTT tại Đại hội đại biểu MTTQ thị xã Bỉm Sơn lần thứ X; “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”... đã, đang được triển khai, thực hiện hiệu quả”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển chính quyền số trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn hiện còn một số khó khăn, như: Tốc độ mạng băng thông rộng tại một số phường, xã chưa cao; hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đồng bộ; các nền tảng số mới đáp ứng được yêu cầu, chức năng và yêu cầu an toàn, an ninh mạng ở mức cơ bản; việc tiếp cận sử dụng nền tảng số trong triển khai CĐS chưa đầy đủ...

Chính vì vậy, trong năm 2025, thị xã Bỉm Sơn sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị nhằm đáp ứng quá trình phát triển chính quyền số. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm về nhân lực số, dữ liệu số, kinh tế số, xã hội số... Phấn đấu năm 2025 thị xã Bỉm Sơn nằm trong nhóm 5 huyện, thị xã, thành phố dẫn đầu cả tỉnh về CĐS.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thi-xa-bim-son-phat-trien-chinh-quyen-so-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-nhan-dan-239098.htm
Zalo