Thị trường xe máy điện Hà Nội sôi động, phân khúc, dòng xe nào đang hút khách?

Sau thông tin cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1 từ tháng 7/2026, thị trường xe máy điện tại Hà Nội trở nên sôi động hơn, ghi nhận lượng khách hỏi mua và chuyển đổi tăng đáng kể.

Video tình hình thị trường xe máy điện Hà Nội trước thông tin cấm xe xăng vào Vành đai 1 từ 7/2026:

Thị trường xe máy điện tăng trưởng, nhiều người lựa chọn mua xe điện dù trước đó đã lên kế hoạch mua xe xăng.

Sau thông tin từ tháng 7/2026 sẽ cấm xe máy xăng đi vào Vành đai 1 Hà Nội, thị trường xe máy điện tại Thủ đô trở nên sôi động rõ rệt. Ghi nhận thực tế chiều 17/7 tại một số cửa hàng kinh doanh xe máy điện cho thấy lượng khách hỏi mua và chuyển đổi tăng đáng kể, đặc biệt ở nhóm học sinh, sinh viên và người đi làm.

Tại cửa hàng xe điện Việt Thanh, anh Nguyễn Văn Thắng (nhân viên phụ trách bán hàng) cho biết lượng khách đến xem xe có xu hướng tăng lên sau thông tin cấm xe xăng.

'Nhiều phụ huynh chủ động tìm hiểu và đặt mua xe điện cho con em học các trường cấp 2, cấp 3 nằm trong Vành đai 1. Những thương hiệu được hỏi nhiều là YADEA, ESPERO và VinFast. Khách hàng quan tâm đến yếu tố tài chính nhưng vẫn ưu tiên các thương hiệu lớn và chính sách hậu mãi sau bán hàng', anh Thắng nói.

Người dân tại Hà Nội bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới thị trường xe máy điện, nhiều cửa hàng cho biết đã có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là so với năm 2024.

Người dân tại Hà Nội bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới thị trường xe máy điện, nhiều cửa hàng cho biết đã có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là so với năm 2024.

Tương tự, anh Nhã (quản lý đại lý ủy quyền Osakar Việt Nam) cho hay có nhiều trường hợp khách đã đặt mua xe xăng nhưng quay lại đổi sang xe điện vì cho rằng 'chẳng sớm thì muộn cũng phải mua'.

Theo anh Nhã, đối tượng mua xe máy điện tại cửa hàng thời điểm gần đây chủ yếu là học sinh, trong đó các bạn nữ quan tâm tới kiểu dáng, sự thoải mái; các bạn nam lại chú trọng tốc độ và quãng đường. Các mẫu được ưa chuộng nhất là Osakar X3 và XMEN.

Còn tại cửa hàng Tuấn Sơn, anh Hướng (quản lý) thông tin: 'Nếu năm ngoái, xe xăng chiếm khoảng 70% thì nay gần như đảo ngược, xe điện tăng mạnh. Phân khúc từ 14 - 17 triệu phù hợp với học sinh, còn người đi làm thường chọn xe từ 25 - 30 triệu đồng. Khách mua xe thường hỏi kỹ về pin, độ an toàn, tốc độ, quãng đường đi được'.

Anh Hướng cũng nhấn mạnh vấn đề pin và sạc đúng cách: 'Sau khi đi xa không nên sạc ngay mà để xe nghỉ 30 phút, không sạc qua đêm để đảm bảo an toàn'.

Còn đối với người mua, anh Nguyễn Thương (trú tại Hoàng Mai) cho biết đã dùng xe điện được một thời gian từ trước khi có thông tin cấm xe xăng và nay quyết định mua thêm một chiếc VinFast Evo cho gia đình.

'Một lần sạc đi được gần một tuần nếu quãng đường di chuyển ngắn (mỗi ngày anh Thương đi lại khoảng 6 - 7km) và sạc chỉ mất khoảng 5 tiếng để đầy pin. Xe máy điện chạy ổn nhưng cần thêm trạm sạc và khả năng sạc nhanh để tiện hơn', anh Thương chia sẻ.

Đa phần các cửa hàng xe máy điện tại Hà Nội đều thông tin về sự quan tâm và tăng trưởng về doanh số đáng kể sau thông tin cấm xe xăng khu vực trong Vành đai 1 từ 7/2026.

Đa phần các cửa hàng xe máy điện tại Hà Nội đều thông tin về sự quan tâm và tăng trưởng về doanh số đáng kể sau thông tin cấm xe xăng khu vực trong Vành đai 1 từ 7/2026.

Hiện nay, thị trường xe máy điện có sự phân hóa rõ rệt theo nhu cầu người dùng. Ở nhóm giá rẻ dưới 15 triệu đồng, VinFast cung cấp Motio (khoảng 12 triệu đồng), hướng tới học sinh với thiết kế nhỏ gọn, dễ điều khiển. Mẫu Evo Lite Neo (khoảng 14 triệu đồng) có thể di chuyển 78 km/lần sạc, không cần bằng lái, phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp 2 - 3.

Trong phân khúc tầm trung, đáng chú ý có VinFast Evo200 Lite (khoảng 22 triệu đồng) với tầm di chuyển 205 km/lần sạc (theo công bố của hãng) - một con số lý tưởng với người cần sử dụng xe hàng ngày. Ngoài ra, Evo Neo (khoảng 18 triệu đồng) và Feliz Neo (khoảng 22 triệu đồng) cũng là lựa chọn phổ biến nhờ thiết kế thân thiện, yên thấp, cốp rộng và độ ổn định khi di chuyển trong đô thị.

Cao hơn, VinFast có hai mẫu đáng chú ý là Klara Neo (gần 30 triệu đồng) và Vento Neo (hơn 30 triệu đồng). Đây là dòng xe có thiết kế thể thao, công nghệ hiện đại, khả năng leo dốc tốt và quãng đường di chuyển dài hơn, phù hợp với người đi làm từ ngoại ô vào nội thành.

Ngoài VinFast, các hãng như YADEA, Dat Bike cũng góp mặt ở phân khúc cao cấp. Các mẫu như Yadea G5, G5 Pro hay Dat Bike Weaver++ có giá từ 40 đến trên 50 triệu đồng, tốc độ tối đa ở mức cao, quãng đường di chuyển cũng xa hơn đáng kể so với mẫu phổ thông. Theo đánh giá của các chủ cửa hàng xe máy điện, những mẫu có mức giá cao thường hướng đến nhóm người dùng trẻ, yêu thích hiệu suất cao và công nghệ hiện đại.

Không chỉ VinFast, nhiều thương hiệu khác như Honda, DKBike, YADEA hay EVGO cũng đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường xe máy điện Việt Nam.

Không chỉ VinFast, nhiều thương hiệu khác như Honda, DKBike, YADEA hay EVGO cũng đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường xe máy điện Việt Nam.

Với lộ trình dừng sản xuất xe máy xăng tại các đô thị lớn từ năm 2027, việc chuyển sang xe điện không chỉ là xu thế mà còn là bước chuẩn bị thiết thực. Tuy nhiên, khi chọn xe, người tiêu dùng cần chú ý đến pin (loại pin, dung lượng, mua hay thuê), tốc độ, quãng đường thực tế, khả năng leo dốc, cũng như chế độ bảo hành và hậu mãi.

Chọn đúng xe theo nhu cầu sẽ giúp người dùng tối ưu chi phí, đảm bảo tiện lợi khi vận hành, và từng bước thích nghi với hệ sinh thái giao thông không khí thải trong tương lai gần.

Video người dân đến các cửa hàng bán xe máy điện tại Hà Nội để tham khảo giá và lựa chọn xe:

Người dân bắt đầu chú ý đến xe máy điện nhiều hơn trước thông tin Hà Nội cấm xe xăng khu vực nội thành.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thi-truong-xe-may-dien-ha-noi-soi-dong-phan-khuc-dong-xe-nao-dang-hut-khach-169250717192417678.htm
Zalo