Thị trường vật liệu tháng 7: Giá thép giảm nhẹ, cát đá vẫn leo thang
Trong khi giá thép giảm nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào thì cát và đá xây dựng tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế và nhu cầu thi công cao.
Thép, xi măng hạ nhiệt, cát và đá tiếp tục tăng
Theo đánh giá của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), nhìn chung trong tháng 7, các loại vật liệu xây dựng như: Xi măng, nhựa đường ổn định, không biến động nhiều.
Tuy nhiên, giá thép xây dựng, cát xây dựng và đá xây dựng biến động. Giá các loại vật liệu tăng giảm, nên giá trị các loại hình công trình cũng biến động tăng đến 0,45% so với tháng trước.

Giá cát xây dựng vẫn ở ngưỡng cao do khan hiếm nguồn cung.
Trong tháng 7, giá xi măng ổn định, không biến động so với tháng trước. Giá thép bình quân giảm 250 - 490 đồng/kg tùy các loại và từng vùng, tính trung bình giảm 1,1% so với tháng trước do giá nguyên liệu thép đầu vào giảm.
Giá cát xây dựng tăng từ 3,02 - 5,01% so với tháng trước. Sau đợt tăng giá tháng 5 và tháng 6, giá cát xây dựng đã giảm tốc độ tăng giá, nguyên nhân là giá cát xây đã ở ngưỡng cao, các công trình thi công chậm lại chờ nguồn cung vật liệu mới và các chính sách mới.
Giá đá xây dựng tăng từ 0,76 - 4,32% so với tháng trước do nhu cầu xây dựng tăng cao, đồng thời do ảnh hưởng tăng giá của các loại vật liệu khác.
Giá nhựa đường tăng 100 - 200 đồng/kg, tăng 0,91 - 0,98% do ảnh hưởng giá xăng dầu và chi phí vận chuyển.
Giá vật liệu dự báo tiếp tục tăng
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, giá cát xây dựng vẫn đang ở ngưỡng cao, giá cát đen tới chân công trình đang dao động từ 370.000 - 380.000/m3, giá cát vàng từ 800.000 - 900.000/m3; giá đá xây dựng từ 430.000 - 500.000 đồng/m3.
Ngoài ra, giá thép cũng dao động quanh mức 14,3 -14,5 triệu đồng/tấn; giá xi măng ổn định từ 950.000 - 1,4 triệu đồng/tấn.
Theo Trung tâm Thông tin - Dữ liệu vật liệu xây dựng Việt Nam, trong tháng tới, giá vật liệu xây dựng được dự báo tiếp tục tăng, với mức tăng từ 2 - 10% tùy loại, cao hơn mức tăng tổng chi phí xây dựng dự kiến 7 - 10% trong nửa cuối năm.
Do đó, các doanh nghiệp và chủ đầu tư cần điều chỉnh kế hoạch tài chính, đẩy mạnh mua sớm và áp dụng giải pháp tiết kiệm vật liệu tối ưu để ứng phó hiệu quả.
Doanh nghiệp vật liệu đón đầu giảm phát thải
Vật liệu xây dựng Việt Nam từng bước chinh phục thị trường quốc tế
Thúc đẩy ứng dụng phần mềm bóc tách khối lượng và dựng mô hình BIM 3D từ bản vẽ 2D
TS Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận định, thị trường vật liệu xây dựng đang biến động do yếu tố cung - cầu.
Các dự án đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ khiến nhu cầu vật liệu tăng nhanh, trong khi nguồn cung đá, cát ngày càng khan hiếm do mỏ khai thác bị hạn chế và cấp phép chưa thông suốt.
Đồng thời, chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vận chuyển tăng đã khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.
Một số mặt hàng như xi măng, gạch ốp lát vẫn giữ được sự ổn định nhờ nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2025, nhiều dự án sẽ dồn lực thi công, kết hợp với bất ổn địa chính trị toàn cầu có thể đẩy giá vật liệu tiếp tục tăng.
Theo ông Sâm, để bình ổn thị trường, cần sự phối hợp đồng bộ, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiết giảm chi phí; nhà nước tăng cường khảo sát, cấp phép khai thác khoáng sản; đồng thời siết chặt quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng và giá cả để đảm bảo sự ổn định, phục vụ phát triển hạ tầng.