Mở rộng 'con đường gạo' ra thế giới

Việc thúc đẩy ký kết các Hiệp định và Biên bản ghi nhớ về Thương mại gạo là chiến lược quan trọng giúp Việt Nam mở rộng đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chủ động thúc đẩy hợp tác gạo cấp quốc gia

Từ ngày 5–7/7, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Rio de Janeiro (Brazil), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Brazil, Malaysia và Indonesia. Trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng, Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, với Brazil, hai bên nhất trí ký kết hiệp định hợp tác bảo đảm an ninh lương thực lâu dài, trong đó Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo ổn định cho thị trường hơn 200 triệu dân này, một đầu mối chiến lược tại Nam Mỹ. Với Malaysia, Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo ổn định cho Malaysia thông qua hợp tác lâu dài. Với Indonesia, hai bên nhất trí thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo, hướng tới ổn định nguồn cung và giá cả lâu dài.

Tại Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm nay, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo diễn ra tối 22/7, Thủ tướng lưu ý, các đơn vị thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo với 5 nước Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brazil.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) và tiến tới ký Hiệp định thương mại gạo với một số thị trường tiềm năng, đặc biệt, Bộ đã kịp thời gửi công hàm và điều khoản dự thảo tham chiếu cho 5 nước là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Brazil.

Bản ghi nhớ nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại tốt đẹp giữa hai nước; góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo; tìm thêm đầu ra cho ngành hàng lúa gạo và người nông dân Việt Nam.

Bản ghi nhớ nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại tốt đẹp giữa hai nước; góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo; tìm thêm đầu ra cho ngành hàng lúa gạo và người nông dân Việt Nam.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân tới Senegal từ ngày 22 - 24/7/2025, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 23/7/2025, tại Lễ ký kết/trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai Bên tại Phủ Thủ tướng Senegal, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký và trao đổi Biên bản ghi nhớ về thương mại gạo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Senegal Serigne Gueye Diop trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko.

Theo đó, tùy thuộc vào điều kiện sản xuất và thị trường, cũng như giá cả quốc tế tại thời điểm giao dịch, phía Việt Nam nhất trí thúc đẩy xuất khẩu sang Senegal 100.000 tấn gạo mỗi năm. Các giao dịch mua/bán theo Bản ghi nhớ này được thực hiện thông qua các hợp đồng bằng văn bản được thỏa thuận và ký kết giữa đơn vị bán hàng và các nhà nhập khẩu Senegal, phù hợp với thông lệ, quy định thương mại quốc tế.

Gạo Việt trên hành trình khẳng định vị thế

Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua và là khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Việc thúc đẩy ký kết các Hiệp định và Biên bản ghi nhớ về Thương mại gạo là chiến lược quan trọng giúp Việt Nam mở rộng đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Minh họa

Việc thúc đẩy ký kết các Hiệp định và Biên bản ghi nhớ về Thương mại gạo là chiến lược quan trọng giúp Việt Nam mở rộng đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Minh họa

Theo số liệu Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines tăng 8,7% lên 2,1 triệu tấn, tương đương 45% tổng lượng xuất khẩu.
Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia trong 5 tháng đầu 2025 đạt 8,23 triệu USD với số lượng 18.427 tấn, giảm 98% về giá trị và 97,28% về lượng. Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2023 và 2024 nhưng đã gia tăng dự trữ lên tới 4,2 triệu tấn vào đầu tháng 7/2025. Đây là lượng gạo dự trữ kỷ lục từ trước đến nay nhờ thời tiết thuận lợi và mở rộng sản xuất.

Việt Nam, một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đang đối mặt với một nghịch lý đáng lo ngại trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động. Áp lực cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là từ Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu, đã tác động không nhỏ đến giá thành và thị phần của gạo Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào và giá có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines, Indonesia luôn bày tỏ mong muốn đa dạng hóa nguồn cung gạo cũng như nỗ lực chủ động lượng gạo trong nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo Việt.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, câu chuyện gạo Việt vươn ra thế giới, không chỉ dừng lại trên cánh đồng mà nó còn là câu chuyện về thị trường, giá cả, cạnh tranh, lựa thời và đón thế, có khi là vì nghĩa vì tình!.

Ông cho hay: “Năm 1999, Việt Nam chính thức trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới. Năm 2011, hạt gạo Việt lập kỷ lục về sản lượng khi đạt tới 7,1 triệu tấn, kim ngạch 3,65 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân 495 USD/tấn. Năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục về sản lượng 9 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu với 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt mức cao nhất, với 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với năm 2023”.

Hạt gạo Việt Nam đã có trên sạp hàng của 150 thị trường, quốc gia và khu vực. “Thế giới nói về hạt gạo là nghĩ đến Việt Nam”!. Đây là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng nghỉ của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong đàm phán, khơi thông, phát triển thị trường. Bên cạnh đó là sự và cuộc của doanh nghiệp, Hiệp hội và sự cần cù đến nhẫn nại, dẻo dai của người nông dân “một nắng hai sương” trên những cánh đồng.

Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo năm 2025, bên cạnh duy trì các thị trường truyền thống, thì việc đẩy mạnh công tác đàm phán mở cửa thị trường mới nhằm đảm bảo xuất khẩu gạo bền vững trong dài hạn. Song song đó, về sản xuất, phải chú trọng điều chỉnh cơ cấu, chủng loại gạo, đặt chất lượng gạo lên hàng đầu.

Xây dựng được một Hệ sinh thái tận dụng lợi thế các FTAs cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Cùng với đó, việc ký kết Biên bản ghi nhớ về thương mại gạo cũng như thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại gạo có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực và ổn định thị trường gạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, mà còn tăng cường quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời, giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng đầu ra cho ngành lúa gạo và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm 2024, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục với 9 triệu tấn, kim ngạch 5,7 tỷ USD, giá gạo bình quân cao nhất lịch sử 627,9 USD/tấn. Hiện gạo Việt đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-rong-con-duong-gao-ra-the-gioi-412429.html
Zalo