Thị trường vàng chứng kiến một tuần diễn biến nóng
Thị trường vàng tuần qua chứng kiến diễn biến nóng, có thời điểm giá vàng tăng lên mức kỷ lục 120 triệu đồng/lượng.

Mua bán vàng nhẫn tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Thị trường vàng vừa chứng kiến một tuần diễn biến nóng, khi giá vàng tăng vọt, từ mức 105,5 - 108 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) vào ngày 15/4 lên mức 117 - 120 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) hôm 18/4, đạt mức chênh lệch 12 triệu đồng/lượng chỉ trong 3 ngày giao dịch.
Ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước, giá vàng trong nước ngày 19/4 lại được các doanh nghiệp kinh doanh điều chỉnh giảm mạnh.
Tại thời điểm 9 giờ 15 phút ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC và Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng ở mức 113,5 - 117,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 115 – 118,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng ở mức 113 – 117,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Đến chiều 19/4, giá vàng tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 112 - 114 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 111 - 114 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 109,5 - 113,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, dù chịu áp lực chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh, giá vàng vẫn ổn định quanh ngưỡng 3.300 USD/ounce, nhờ đồng USD yếu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tục tăng dự trữ vàng trong tháng 3/2025, đánh dấu tháng thứ năm mua vào kim loại quý.
Tổng thống Trump dù đã công bố thuế đối ứng nhưng tạm hoãn việc áp dụng đối với nhiều nước, trừ Trung Quốc, gây biến động mạnh trên thị trường tài chính và hàng hóa, đẩy dòng tiền tìm đến vàng như tài sản trú ẩn.
Theo Chuyên gia Lukman Otunuga (FXTM) nhận định giá vàng đã tăng hơn 24% so với năm trước, vượt mốc 3.350 USD/ounce, nhưng có thể điều chỉnh về 3.250 USD hoặc 3.140 USD, với ngưỡng hỗ trợ tâm lý tại 3.000 USD. Nếu giữ vững 3.300 USD, giá vàng có thể tiến tới 3.400 USD hoặc cao hơn.
Trong khi đó, Chuyên gia tài chính Alex Kuptsikevich (FxPro) cho rằng, vàng đang trong đà tăng mạnh sau khi chạm đường trung bình động 50 ngày, dự báo có thể vượt 3.500 USD/ounce trong thời gian tới.
Ở trong nước, bà Chu Phương, Chuyên gia phân tích thị trường và ngoại hối tại Giavang.net cho hay, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm đầu tư và chi tiêu, và lạm phát. Trong bối cảnh này, vàng thường được hưởng lợi khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn và bảo toàn giá trị tài sản của họ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá vàng cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, bao gồm lãi suất, chính sách tiền tệ và các sự kiện địa chính trị. Do đó, việc phân tích kỹ lưỡng và toàn diện là rất quan trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào vào vàng.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra, vàng thường được coi là một tài sản trú ẩn an toàn. Khi căng thẳng thương mại gia tăng, các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến vàng để bảo toàn giá trị tài sản của họ, điều này thường đẩy giá vàng lên cao.
Có một số nguyên nhân được chỉ ra khiến giá vàng tăng đột biến như gần đây là vì sự bất ổn về kinh tế. Chính sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu do chiến tranh thương mại đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng.
Thứ hai là do lạm phát, nếu chiến tranh thương mại dẫn đến lạm phát, vàng có thể được xem là một hàng rào chống lại sự mất giá của tiền tệ, thúc đẩy nhu cầu và giá cả. Thêm vào đó là xu hướng biến động tiền tệ. Chiến tranh thương mại có thể gây ra biến động tiền tệ, khiến vàng trở thành một lựa chọn hấp dẫn để đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Cuối cùng là lãi suất. Các ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất để đối phó với tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng (vốn không sinh lời), do đó có thể làm tăng giá vàng.
Trước những diễn biến chưa thực sự ổn định như hiện nay, bà Chu Phương lưu ý, tiếp tục thận trọng theo dõi diễn biến giá vàng; đồng thời, hạn chế tâm lý FOMO trước những biến động giá và xu hướng đầu tư "bày đàn" hay tâm lý đám đông.