Thị trường tiêu dùng sau bão: Giá cả tại chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ
Theo Vụ Thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ trở lại bình thường sau bão, giá cả tại các chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu.
Tính đến sáng 8/9, theo Báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình cung ứng hàng hóa, đại diện Sở Công Thương các địa phương đã gửi thông tin về công tác chỉ đạo trên địa bàn tính đến thời điểm 9h ngày 8/9.
Tình hình thị trường Hà Nội đêm ngày 7/9, trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của bão số 3 nhiều cây xanh lớn gãy đổ gây khó khăn chung cho việc di chuyển trong đó bao gồm các xe vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.
Tuy nhiên lực lượng chức năng đã tích cực cưa, cắt, dọn dẹp do đó việc lưu thông của các phương tiện cơ bản đảm bảo. Mưa lớn gây ngập úng, dự báo sẽ có 1 số khu vực bị chia cắt như một số xã trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Sáng ngày 8/9, cơ bản các điểm bán đã mở của hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, với địa bàn tỉnh Quảng Ninh tính đến 8h sáng nay vẫn mất điện, mạng di động, 4G không ổn định. Các siêu thị/chợ/cây xăng hoạt động bình thường đảm bảo hàng hóa phục vụ tiêu dùng nhân dân trong tỉnh. Một số chợ bị tốc mái hoặc cây xanh đổ bên ngoài hoạt động thưa thớt; một số cửa hàng xăng dầu bị ảnh hưởng đang khắc phục trước khi hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đêm ngày 7/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên mất điện, mất nước, sóng điện thoại và 4G không được thông suốt, lúc có lúc không. Nhiều cây xanh lớn ở nhiều tuyến đường bị đổ, thành phố có văn bản nhân dân không ra khỏi nhà trước 20h ngày 7/9. Tính đến 8h sáng nay, trên địa bàn thành phố vẫn mất điện, mất nước, mạng di động, 4G không ổn định.
Do ảnh hưởng của siêu bão nhiều cửa hàng xăng dầu bị thiệt hại nhưng lượng hàng hóa các doanh nghiệp cam kết cung ứng không bị ảnh hưởng, đảm bảo đủ số lượng đã cam kết.
Sở Công Thương đã có Công văn đề nghị UBND các quận, huyện rà soát nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trường hợp nguồn cung không đáp ứng, chủ động liên hệ với 7 doanh nghiệp trên để thực hiện điều tiết cung cầu hàng hóa, phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Đáng chú ý, đối với công tác vận chuyển hàng hóa ra huyện Cát Hải, đề nghị các đơn vị xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến Bến phà Cái Viềng (phương tiện chuyên dụng là tàu cứu hộ, cứu nạn) để giao cho huyện Cát Hải tiếp nhận, vận chuyển theo các phương án “4 tại chỗ” trong phạm vi nội bộ huyện.
Đối với tỉnh Tuyên Quang, đêm ngày 7/9, địa bàn tỉnh có mưa liên tục nhưng không lớn, không ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, chưa có thiệt hại về con người và tài sản. Lượng hàng hóa dự trữ đủ để cung cấp cho cả tỉnh trong 2-3 ngày tới.
Vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở của tỉnh Tuyên Quang bao gồm: huyện Sơn Dương, 1/2 huyện Yên Sơn và 1/3 địa bàn huyện Chiêm Hóa (các địa phận giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc), tuy nhiên chưa đến mức bị chia cắt cô lập.
Tỉnh Nam Định có mưa và gió to dẫn đến đổ cây ở một số tuyến phố. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã kịp thu dọn để các phương tiện lưu thông bình thường. Nếu tiếp tục có mưa to dài ngày có khả năng ngập lụt một số vùng trũng tại thành phố. Tuy nhiên chính quyền sẽ sử dụng hệ thống máy bơm để bơm chống ngập. Do đó hàng hóa thiết yếu sẽ được các doanh nghiệp phân phối dự trữ và vận chuyển cung ứng bình thường.
Đối với các tỉnh, thành phố còn lại, tình hình cung ứng, lưu thông hàng hóa đã cơ bản được đảm bảo, các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường.
Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước cũng dự báo trong ngày 8/9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở.
Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ trở lại bình thường, giá cả tại các chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ; các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ khắc phục điện cho khu vực B12 để bơm xăng dầu cho khu vực 1 và miền Bắc. Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo.