Thị trường tiền tệ tìm đường thoát khỏi cái bóng của đô la

Các ngân hàng và công ty môi giới, đặc biệt là ở châu Á, đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt đối với các sản phẩm phái sinh tiền tệ (hợp đồng tương lai, quyền chọn) không sử dụng đồng đô la Mỹ.

NDT vẫn lép vế so với đô la trong giao dịch thanh toán cầu nhưng trên thị trường ngoại hối, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu thực hiện giao dịch phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá NDT không sử dụng đô la làm trung gian. Ảnh: Getty Images

NDT vẫn lép vế so với đô la trong giao dịch thanh toán cầu nhưng trên thị trường ngoại hối, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu thực hiện giao dịch phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá NDT không sử dụng đô la làm trung gian. Ảnh: Getty Images

Căng thẳng thương mại và tiến bộ công nghệ đã thúc đẩy xu hướng này khi doanh nghiệp và nhà đầu tư tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng đô la, vốn từ lâu đóng vai trò trung gian trong hầu hết các giao dịch ngoại hối.

Vai trò trung gian của đồng bạc xanh đang lung lay

Trung Quốc đang đẩy mạnh vị thế của đồng NDT trên trường quốc tế. Tỷ trọng sử dụng NDT trong thanh toán toàn cầu tăng đều, với các khoản vay và công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá dựa vào NDT ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là hãng xe châu Âu và doanh nghiệp ở Đông Nam Á

Hầu hết các giao dịch ngoại hối hiện nay vẫn phụ thuộc vào đô la. Chẳng hạn, một công ty Ai Cập muốn mua đồng peso Philippines thường phải đổi tiền địa phương sang đô la trước, rồi mới sử dụng số đô la đó để mua peso. Việc sử dụng đô la như một loại tiền tệ trung gian chiếm khoảng 13% khối lượng giao dịch hàng ngày của đồng tiền này, theo một ước tính gần đây. Nhưng hiện tại, nhiều công ty đang tìm cách “bỏ qua” bước trung gian này.

Đó là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp và nhà đầu tư đang dần quay lưng với đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tuần qua, giá đồng đô la lao dốc do khi nhà đầu tư chuyển hướng chú ý sang các thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và các đối tác. Nhà chiến lược tiền tệ Stephen Jen đã cảnh báo về một làn sóng bán tháo đô la trị giá 2,5 nghìn tỉ đô la, có thể làm lung lay sức hút dài hạn của đồng tiền này.

Ngoài yếu tố thương mại, những thay đổi cấu trúc trong cách sử dụng đồng đô la cũng cho thấy xu hướng “phi đô la hóa” đang hình thành.

“Sự gia tăng giao dịch giữa các đồng tiền trực tiếp, không sử dụng đô la là nhờ tiến bộ công nghệ và thanh khoản cải thiện. Các bên giao dịch nhận thấy, chi phí không tốn kém hơn so với với việc sử dụng đô la nên xu hướng này tự nhiên tăng tốc”, Gene Ma, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Tài chính quốc tế (IIF) nhận định.

Nhân viên của của các công ty và tổ chức tài chính trên khắp châu Á ghi nhận nỗ lực bỏ qua đồng đô la trong giao dịch phái sinh tiền tệ đang tăng tốc. Nhiều doanh nghiệp yêu cầu giao không sử dụng đô la làm trung gian khi thực hiện các giao dịch phòng ngừa rủi ro tỷ giá liên quan đến các đồng tiền như nhân dân tệ (NDT), đô la Hong Kong, dirham của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay euro. Các tổ chức tài chính từ châu Âu và nhiều nơi khác bắt đầu chào mời các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá nhân dân tệ không sử dụng trung gian đô la.

Quan hệ thương mại khăng khít giữa Trung Quốc, Indonesia và các nước vùng Trung Đông cũng thúc đẩy tăng nhu cầu phòng ngừa rủi ro bằng các đồng tiền khác. Các hãng xe châu Âu đặc biệt chuộng các công cụ phòng ngừa cặp tỷ giá euro – NDT. Trong khi đó, một ngân hàng nước ngoài ở Indonesia thiết lập một đội ngũ chuyên trách để đáp ứng nhu cầu giao dịch cặp tiền rupiah - NDT.

Đô la từ lâu là trụ cột của thương mại toàn cầu, được sử dụng rộng rãi để tài trợ nợ cho các thị trường mới nổi cũng như thanh toán thương mại. Nhưng vị thế này đang bị đe dọa.

Trung Quốc đã ký thỏa thuận thanh toán bằng NDT với Brazil, Indonesia và nhiều nước khác. Trong khi nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đang thảo luận về phi đô la hóa. Cuộc xung đột Nga-Ukraine càng khiến một số chính phủ đặt câu hỏi liệu đồng đô la có đang bị “vũ khí hóa” thông qua các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.

Khó thay thế đô la nhanh chóng

Dù vậy, quá trình giảm sự phụ thuộc vào đô la khó có thể diễn ra nhanh chóng. Đồng euro đang sụt giảm tỷ trọng trong giao dịch toàn cầu, còn NDT vẫn chủ yếu được sử dụng các giao dịch liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Theo Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), NDT chỉ chiếm 4,1% thanh toán toàn cầu trong tháng Ba, thấp hơn nhiều so với 49% của đô la. Tuy nhiên, giao dịch NDT qua hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) đang tăng trưởng chóng mặt, đạt 175 ngàn tỉ NDT (24 tỉ đô la) trong năm 2024, tăng hơn 40% so với năm trước.

Nhà đầu tư và công ty thương mại Trung Quốc sử dụng NDT trong các hoạt động xuyên biên giới với khối lượng kỷ lục hồi tháng Ba. Các nhà xuất khẩu của nước này cũng đang nhanh chống đổi đô la sang NDT do đồng bạc xanh suy yếu, đảo ngược xu hướng tích trữ tiền mặt bằng đô la trước đây.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á tăng hơn 80% trong 5 năm qua, trong khi xuất sang UAE và Saudi Arabia tăng gấp đôi, vượt xa tốc độ tăng trưởng sang Mỹ và EU.

Dù chi phí của các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá NDT thường đắt hơn, lãi suất thấp các khoản vay NDT giúp tổng chi phí vẫn hấp dẫn.

“Bạn có thể vay NDT với chi phí chỉ bằng một phần ba so với vay đô la”, Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis nói nhưng lưu ý thêm, giao dịch NDT bên ngoài Trung Quốc vẫn hạn chế do tính thanh khoản thấp.

Trong khi đó, chi phí phòng ngừa rủi ro tỷ giá đô la so với các đồng tiền lớn tăng mạnh trong năm qua.

Biến động giá đô la liên quan đến thuế quan cho thấy rõ rằng, không chỉ Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đang làm suy yếu vị thế của đồng đô la trên thế giới. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những tín hiệu trái chiều về đồng tiền này. Ông từng phàn nàn sức mạnh của đô la khiến hàng hóa Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với thương mại và xu hướng sẵn sàng phá bỏ những thông lệ quốc tế lâu đời cũng như sự chỉ trích của ông nhắm vào Cục Dự trữ liên bang (Fed) đang làm gia tăng cảm giác rằng, vị thế thống trị của đô la đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất trong nhiều thập niên.

“Với sức bền đáng kinh ngạc của đồng đô la, chỉ những thay đổi mang tính lịch sử mới trong môi trường quốc tế mới có thể lật đổ. Nhưng có những rủi ro cho thấy, sự thay đổi ấy đang diễn ra”, các nhà phân tích của ngân hàng Deutsche Bank nhận định.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-tien-te-tim-duong-thoat-khoi-cai-bong-cua-do-la/
Zalo