Thị trường thang máy Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, các doanh nghiệp trong và ngoài nước 'để ý'
Từ 14 - 16/11, Triển lãm thang máy Quốc tế Việt Nam năm 2024 sẽ được diễn ra tại Trung tâm triển lãm Quốc tế (I.C.E Hanoi) số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh chóng, ổn định. Trong đó, quy mô GDP Việt Nam theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 theo bảng xếp hạng của CEBR (một trung tâm đánh giá của Vương quốc Anh).
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập Quốc tế cho biết, nếu tiếp tục đà tăng trưởng thì đến năm 2038, quy mô GDP của Việt Nam dự kiến đạt…1.559 tỷ USD, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua các nước khác trong khu vực và lọt vào nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.
“Những con số nền tảng trên là cơ sở cơ bản để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có ngành thang máy”, ông Minh Anh cho biết.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Đề án hiện đang triển khai mạnh mẽ nhiều đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng kéo theo nhu cầu về thang máy cũng tăng cao, thu hút đầu tư vào ngành thang máy rất lớn.
"Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản, khu chung cư, đô thị khác cũng đang được triển khai và điều này cho thấy tiềm năng đầu tư, phát triển rất lớn đối với thị trường thang máy", ông Trịnh Minh Anh đánh giá.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân và tổ chức có liên quan đến thị trường thang máy. Trong năm 2022, tại Việt Nam có khoảng 24.600 cây thang máy được lắp đặt và con số này trong năm 2023 là trên 25.000 thang.
Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty thang máy quốc tế lớn như Otis, Schindler, Mitsubishi, Kone, Hitachi... cũng đã rót vốn đầu tư vào hoạt động thương mại tại thị trường Việt Nam và đạt được những thành công nổi bật.
“Điều đó cho thấy, thị trường thang máy Việt Nam đang còn nhiều tiềm năng phát triển, thu hút được sự quan tâm, đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Trước thực tế này, từ 14 - 16/11, Triển lãm thang máy Quốc tế Việt Nam năm 2024 sẽ được diễn ra tại Trung tâm triển lãm Quốc tế (I.C.E Hanoi) số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Đại diện Công ty TNHH Quốc tế Spex, Trưởng Ban tổ chức triển lãm cho biết, Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam 2024 có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm, như: Thang cuốn các loại, thang máy tự động, linh kiện và bộ phận thang máy; thiết bị lắp đặt và bảo trì thang máy; dịch vụ thang máy như giải pháp phát triển và đổi mới công nghệ, lắp đặt, tư vấn, dịch vụ, thử nghiệm, thiết kế và tư vấn, thiết bị phụ trợ.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra hội nghị trao đổi và thương mại ngành thang máy. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thang máy sẽ trao đổi về xu hướng phát triển của ngành, cũng như xu hướng đổi mới công nghệ và cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường…
"Thông qua triển lãm, Ban tổ chức kỳ vọng tạo cầu nối để các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đón đầu xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành thang máy; đây cũng là cơ hội để các đơn vị xây dựng phát triển các mối quan hệ kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, bà Liên nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam 2024, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc chia sẻ, trong bối cảnh phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang bùng nổ, các ngành xây dựng, kỹ thuật và công nghiệp liên quan cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu lớn về thang máy và các phụ tùng quan trọng. Ngành thang máy Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng nhờ sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ và nhu cầu thị trường, đã hình thành một chuỗi ngành công nghiệp và cung ứng tương đối hoàn chỉnh, đồng thời đào tạo được một loạt các doanh nghiệp có tiếng trong ngành. Thông qua các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, ngành đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Trung Quốc và Việt Nam có không gian hợp tác rộng lớn trong lĩnh vực chuyên ngành thang máy.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong ngành thang máy, vào tháng 11 năm 2024, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tổ chức các doanh nghiệp đại diện của ngành thang máy Trung Quốc tham gia Triển lãm Thang máy Quốc tế và Phụ tùng lần thứ ba tại Hà Nội, Việt Nam (Vietnam Lift Expo), nhằm giới thiệu các sản phẩm và công nghệ mới trong chuỗi ngành công nghiệp toàn diện của thang máy và các linh kiện quan trọng. Đến nay, đã có hơn 60 doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký tham gia. Đồng thời, trong thời gian triển lãm, sẽ diễn ra hội nghị giao lưu hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.
“Tôi tin rằng triển lãm lần này sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ và thảo luận hợp tác, góp phần vào việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước”, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.