Thị trường smartphone gập sôi động
Sự hiện diện của các thương hiệu Trung Quốc góp phần giúp thị trường smartphone màn hình gập tăng trưởng trong quý II.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, doanh số smartphone màn hình gập toàn cầu quý II tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý II, Trung Quốc vẫn là thị trường smartphone gập lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần (khoảng 1,5 triệu thiết bị). Những khu vực khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể như châu Á - Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc), châu Mỹ Latin và Tây Âu.
Tây Âu thành thị trường smartphone màn hình gập lớn thứ 2, các thương hiệu cạnh tranh đa dạng gồm Honor, Samsung, Motorola, Oppo, OnePlus và thậm chí là Google.
"Tây Âu là khu vực có nhiều thương hiệu smartphone gập nhất ngoài Trung Quốc. Sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các thương hiệu là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng.
Đáng chú ý khi trong quý II, Honor vượt qua Samsung để lần đầu giành vị trí số một tại Tây Âu. Điều này đánh dấu sự chuyển dịch đáng kể trong bối cảnh cạnh tranh tại khu vực", đại diện Counterpoint Research cho biết.
Doanh số smartphone gập của Honor tăng 455% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty nhắm đến các thị trường ngoài Trung Quốc với mẫu Magic V2 siêu mỏng, dày chưa đến 10 mm khi gập lại.
Trong quý II, đây là smartphone gập dạng cuốn sách bán chạy nhất tại tất cả khu vực ngoại trừ Trung Quốc, thị trường Huawei đang dẫn đầu.
Motorola chiếm vị trí số một thị trường smartphone gập tại Bắc Mỹ và Mỹ Latin. Doanh số điện thoại gập tại Mỹ Latin trong quý II tăng 458% so với cùng kỳ năm trước nhờ dòng Razr 40 bán chạy.
Theo công ty phân tích, Motorola có phạm vi phủ sóng rộng nhất trong các thương hiệu Trung Quốc, doanh số tăng đáng kể tại châu Âu, châu Á và nhiều thị trường khác. Nhìn chung, mức tăng trưởng của Motorola trong quý II đạt 3 chữ số.
Các hãng điện thoại tăng cường hiện diện trên thị trường smartphone gập, nhằm tạo dựng vị thế trước khi Apple gia nhập vào giai đoạn 2026-2028.
Trong quý II, smartphone gập đóng góp đủ doanh số để các hãng Trung Quốc vượt qua Apple trên thị trường di động nói chung. Dù vậy, TrendForce ước tính thị trường máy gập chỉ chiếm 1,5% tổng doanh số trong 2024. Vấn đề lớn nhất cản trở người dùng vẫn là giá bán.
Trước đây, Samsung gần như thống trị mảng smartphone màn hình gập bên ngoài Trung Quốc. Thời gian gần đây, sự cạnh tranh ngày càng lớn khi các hãng Honor, Motorola ghi nhận kết quả tích cực trong nửa đầu năm nhờ Magic V3 và Razr 50.
Từ đầu năm nay, Xiaomi và Vivo cũng bán smartphone gập ra ngoài Trung Quốc. Trong quý III, Samsung được cho sẽ giành lại vị trí số một toàn cầu với Galaxy Z Fold6 và Z Flip6. Tuy nhiên, cạnh tranh khốc liệt có thể khiến thị phần công ty Hàn Quốc sụt giảm so với năm trước.