Thị trường rũ bỏ áp lực, các nhóm ngành bán lẻ, chứng khoán... nên được ưu tiên trong danh mục đầu tư

Phiên cuối tuần qua chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của lực cầu trên diện rộng, giúp VN-Index bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản.

Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

VN-Index có khả năng vượt cản

Trong tuần giao dịch từ ngày 12 - 16/8/2024, VN-Index dao động trong biên độ hẹp, với thanh khoản thấp, phản ánh sự thận trọng của thị trường. Chỉ số đã phản ứng với kháng cự mạnh tại vùng 1.240 - 1.250 điểm và dần điều chỉnh về gần ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm.

Thanh khoản trong các phiên giảm duy trì ở mức thấp, xoay quanh 14.000 tỷ đồng, cho thấy sự cân bằng giữa lực bán và lực mua. Tuy nhiên, phiên cuối tuần chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của lực cầu, không chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn, mà còn lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đặc biệt, các nhóm ngành chứng khoán, bán lẻ, công nghệ thu hút sự quan tâm của dòng tiền. Do đó, VN-Index bật tăng 28,67 điểm, đóng cửa tại 1.252,23 điểm, tăng 2,3% so với cuối tuần trước đó; giá trị giao dịch đạt hơn 23.000 tỷ đồng.

Về mặt vĩ mô, kinh tế Việt Nam duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế được giữ vững qua từng quý. Tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa phần nào nhờ nguy cơ suy thoái của Mỹ giảm bớt, qua đó góp phần củng cố niềm tin vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế sắp tới của Việt Nam.

Từ góc nhìn kỹ thuật, VN-Index nằm trong xu hướng tăng trong trung và dài hạn, dù ngắn hạn vận động trong nhịp giảm. Diễn biến kiểm nghiệm lại vùng kháng cự 1.240 - 1.250 điểm có thể tạo cơ hội cho chỉ số vượt cản mạnh, với mục tiêu tiếp theo là ngưỡng 1.300 điểm.

Trong giai đoạn sắp tới, việc bám sát sự vận động của dòng tiền và tập trung vào các mã cổ phiếu được dòng tiền chú ý là yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Theo đó, các nhóm ngành bán lẻ (MWG, PNJ, FRT), chứng khoán (SSI, HCM), ngân hàng (MBB), công nghệ (FPT) nên được ưu tiên trong danh mục đầu tư.

Tháo gỡ nút thắt để thị trường được nâng hạng

Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động về mặt thông tin khi các chính sách vĩ mô từ các nền kinh tế lớn có tác động đến kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nếu như trước đây, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên tục rút khỏi thị trường Việt Nam chủ yếu do chênh lệch lãi suất, thì hiện tại khối ngoại đã có tuần mua ròng đầu tiên sau 6 tháng bán ròng. Diễn biến của VN-Index đã tích cực hơn trong tuần qua khi hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều tăng giá.

Trong tháng 7/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng tải dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán. Trong đó, các quy định về bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là các mục đáng chú ý nhất.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ lâu được đánh giá là còn một số rào cản đối với nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến các quy định về ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và công bố thông tin. Các quy định mới có thể giúp gỡ bỏ các rào cản đó.

Câu chuyện tháo gỡ nút thắt để thị trường được nâng hạng đang tiến gần hơn đến các bước cần thiết cuối cùng, kỳ vọng việc ban hành thông tư lần này sẽ tác động tích cực đến việc các tổ chức xếp hạng xem xét nâng hạng cho thị trường Việt Nam.

Để theo kịp các quy định mới, các công ty chứng khoán cần có quy mô vốn lớn hơn, cùng với việc dòng vốn nước ngoài có thể quay lại giúp tăng thanh khoản trên thị trường sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp chứng khoán trong thời gian tới có thể tung ra nhiều sản phẩm đầu tư nhằm thu hút nhóm nhà đầu tư nước ngoài, từ đó mở ra cơ hội mới, tăng trưởng song song với sự phát triển đến từ nhóm nhà đầu tư trong nước.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-ru-bo-ap-luc-cac-nhom-nganh-ban-le-chung-khoan-nen-duoc-uu-tien-trong-danh-muc-dau-tu-post351831.html
Zalo