Thị trường phân bón ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc
Đầu năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi xu hướng giá thế giới tăng, nhu cầu tiêu thụ trong nước ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón có tiềm năng xuất khẩu cao ngay từ đầu năm.
Giá phân bón tăng cả thị trường quốc tế và trong nước
Trên thị trường quốc tế, khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường thế giới Argus cho thấy, giá ure những ngày đầu năm tăng cao. Có thể kể đến giá ure tại Trung Đông đã tăng lên mức 410-415 USD/tấn FOB. Sản lượng sản xuất của Iran vẫn bị hạn chế nhưng đã có giao dịch diễn ra ở mức giá khoảng 360 USD/tấn FOB.

Dự báo, lượng xuất khẩu trong tháng 02/2025 cũng sẽ đạt khoảng 70.000 tấn. Ảnh: Nguyễn Duyên
Tại Ai Cập, một loạt các giao dịch bán ure hạt đục có giá tăng từ 432 USD/tấn FOB lên mức 450 USD/tấn FOB, xếp hàng tháng 2-3. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu của châu Âu đã chậm lại và giá Ure ổn định, nhưng giá Nitrate và UAN đã tăng trở lại.
Bên cạnh mặt hàng ure, thị trường phân bón cũng ghi nhận sự tăng giá của phân bón DAP. Cụ thể, tại Hoa Kỳ, nhiều sà lan DAP giao tháng 2 đã được bán trong tuần này với giá tăng 4 USD/st so với tuần trước lên mức 588 USD/st FOB Nola. Tại châu Âu, giá DAP tăng do được hỗ trợ bởi nguồn cung eo hẹp và chào giá tăng. Tại Nam Á, thị trường ghi nhận thỏa thuận mua 1,6 triệu tấn DAP giữa Ấn Độ và OCP (Ma-rốc) trong tuần này, giá tính theo công thức và giao hàng từ tháng 02-12/2025.

Bên cạnh ure, giá phân bón NPK trong nước và thế giới cũng tăng. Ảnh: Nguyễn Duyên
Giá phân bón NPK cũng tăng. Theo ghi nhận, tuần này, Ấn Độ đã mua 25.000-30.000 tấn NPKs Trung Quốc 20-20-0+13S với giá 397 USD/tấn CFR. Đồng thời, một số nhà nhập khẩu Ấn Độ cũng phát hành đấu thầu mua hàng mới, trong đó RCF phát hành đấu thầu mua 30.000 tấn NPK 15-15-15, Fact phát hành đấu thầu mua 45.000 tấn NPK 15-15-15.
Trong khi đó, các thị trường khác ở châu Á như Trung Quốc và Đông Nam Á giao dịch trầm lắng do nghỉ Tết Nguyên đán (28/01-04/02). Ở châu Âu, giá NPK tăng khoảng 5 Euro/Bảng Anh/tấn tại một số thị trường. Ủy ban châu Âu đã đề xuất áp dụng thuế cố định đối với nhập khẩu phân bón gốc Nitơ và Phosphates từ Nga và Belarus từ tháng 7/2025.
Tại thị trường Việt Nam, giá ure đã tăng mạnh từ nửa cuối tháng 1 và đà tăng này tiếp tục duy trì từ đầu tháng 2 đến nay theo xu hướng giá thế giới với các thông tin tích cực cho xuất khẩu phân bón.
Chỉ tính trong tháng 01/2025, giá ure bình quân tại thị trường Việt Nam đã tăng khoảng 33-632 đồng/kg so với tháng 12/2024 và hiện ở mức cao nhất tính từ tháng 10/2023.
Cụ thể, giá ure Cà Mau tại TP. Hồ Chí Minh và Long An hiện ở mức 11.200 đồng/kg; tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ, giá ure Cà Mau ở mức 11.900-12.000 đồng/kg trong khi các đại lý cấp 1 bán ra tại khu vực Tây Nam Bộ dao động trong khoảng từ 12.100-12.300 đồng/kg.
Giá ure Phú Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh và Long An hiện ở mức 11.300-11.400 đồng/kg; tại kho trung chuyển Đông Nam Bộ, giá ure ở mức 10.500-10.850 đồng/kg trong khi các đại lý cấp 1 bán ra tại khu vực Nam Bộ dao động trong khoảng từ 11.500-11.600 đồng/kg.
Đối với ure Ninh Bình, giá ure Ninh Bình nhà máy bán ra đang ở mức 11.000 đồng/kg; tại TP. Hồ Chí Minh và Long An ở mức 11.200-11.300 đồng/kg.
Đối với ure Hà Bắc, với 2 lần điều chỉnh trong tháng 1, giá nhà máy bán ra hiện dao động quanh mốc 10.900-11.000 đồng/kg.
Công tác xuất khẩu phân bón cũng gặp thuận lợi. Lượng xuất khẩu ure của Việt Nam trong tháng 01/2025 đã đạt gần 73.000 tấn, giảm hơn 10.000 tấn so với tháng 12/2024. Dự báo, lượng xuất khẩu trong tháng 02/2025 cũng sẽ đạt khoảng 70.000 tấn.
Dự kiến, thị trường urê nội địa vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi giá thế giới tăng. Nguyên nhân chính đến từ nguồn cung hàng giao ngay trong nước hạn chế và thông tin Đạm Cà Mau xuất khẩu lượng lớn và nhu cầu tăng cao ở miền Bắc, dù nhu cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung chậm lại.
Nguồn cung phân bón trong nước ổn định
Hiện Việt Nam có 4 nhà máy phân ure lớn nhất là Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc. Tại các nhà máy ure này, hoạt động sản xuất đang duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu phân ure cho sản xuất nông nghiệp ở trong nước. Dự kiến sản lượng sản xuất của Việt Nam trong tháng 2 duy trì ổn định ở mức 225.000 tấn, tương đương với sản lượng tháng 1 trước đó do các nhà máy chưa có kế hoạch bảo dưỡng định kỳ.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều diện tích lúa Đông Xuân đã hoàn thành gieo sạ và lượng phân bón ure đã sử dụng cho vụ này đạt 90% tổng nhu cầu cả vụ. Trong tháng 2, chỉ còn 10% lượng phân bón chưa sử dụng ở các khu vực sạ trễ và diện tích lúa dài ngày.
Tại miền Trung, tính đến đầu tháng 2, khu vực Nam và Trung Trung Bộ cũng đã chăm bón xong hai đợt chính, chỉ còn đợt ba nên nhu cầu được đảm bảo từ nguồn cung phân bón trong nước. Tại miền Bắc, các tỉnh tập trung xuống giống lúa Đông Xuân sau Tết Nguyên Đán (đầu tháng 2), nên trong tháng 2 sẽ có nhu cầu phân bón cho lúa đợt 1.
Đối với ure làm nguyên liệu sản xuất, trong tháng 1 và 2, nhu cầu tiêu thụ phân bón NPK thường không quá mạnh do chưa vào cao điểm mùa mưa tại Tây Nguyên-Đông Nam Bộ nên các nhà máy có thể không hoạt động với công suất cao. Do vậy lượng ure dùng sản xuất NPK trong hai tháng đầu năm chỉ ở mức 45.000 tấn..
Theo dự báo của AgroMonitor, lượng phân ure tiêu thụ nội địa trong tháng 2 này ước đạt 100.000 tấn, giảm 60.000 tấn so với tháng 1. Tồn kho trong tháng 2 này sẽ tăng nhẹ, đạt mức 411.000 tấn. Giá ure nội địa trong tháng 2 dự kiến được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực từ thị trường thế giới (Ấn Độ có thể mở thầu mới trong tháng 2, nhu cầu tại Mỹ, EU, Australia tăng).
Nhận định về thị trường phân bón, Tiến sỹ Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho biết, trong nhiều năm lại đây, nguồn cung phân ure trong nước luôn lớn hơn nhu cầu tiêu thụ, góp phần đảm bảo an ninh nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như không còn tình trạng "găm hàng, sốt giá" như những năm trước kia. Tại thời điểm hiện nay, theo thông tin Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận được, hai đơn vị sản xuất phân ure lớn nhất hiện nay thuộc Petrovietnam là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã có đủ đơn hàng xuất khẩu ure trong quý I/2025 và dự trữ đủ lượng phân bón cần thiết cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Thị trường phân bón trong nước đang có những biến động nhất định do ảnh hưởng của thời tiết, mùa vụ và các yếu tố khác. Nhu cầu phân bón tăng cao ở các khu vực đang trong vụ đông xuân, đặc biệt là mặt hàng ure, giá phân bón đang có xu hướng tăng nhẹ.
Các tỉnh tại Đồng bằng sông Cứu Long đã hoàn thành gieo sạ và đang bước vào giai đoạn cuối chăm bón cho lúa vụ Đông Xuân. Nhu cầu tiêu thụ tính đến tuần này đã ước đạt khoảng 89% tổng lượng tiêu thụ cả vụ đông xuân 2024 - 2025, trong đó, lượng ure/DAP đã tiêu thụ đạt khoảng 92-97%, NPK/Kali khoảng 78-84%. Nhu cầu tiêu thụ dự kiến tiếp tục có xu hướng giảm.
Tại miền Trung, nhu cầu chăm bón cho cây công nghiệp ở mức thấp. Bà con đang chăm bón đợt 2-3 cho lúa đông xuân. Một số vùng hoa màu, bà con đang xuống giống để trồng lại vụ mới. Khu vực Tây Nguyên đã hoàn tất thu hoạch cà phê. Các vùng trồng tiêu cơ bản hoàn tất chăm bón và chuẩn bị bước vào thu hoạch, sầu riêng đang trong giai đoạn làm bông.
Miền Bắc, nhu cầu chăm bón cho lúa đông xuân 2025 đang dần gia tăng, chủ yếu có nhu cầu đợt 1-2, sử dụng nhiều ure và NPK. Các tỉnh tại Đồng bằng sông Hồng tuần này bắt đầu xuống giống đồng loạt lúa đông xuân 2025 và dự kiến đa số các tỉnh thành sẽ hoàn thành việc gieo cấy trong tháng 2 và đầu tháng 3.
Thị trường phân bón urê Việt Nam sau Tết Nguyên đán diễn biến tích cực do được hỗ trợ bởi xu hướng giá thế giới tăng, xuất khẩu sôi động. Lượng xuất khẩu ure của Việt Nam trong tháng 01/2025 đã đạt gần 73.000 tấn, giảm hơn 10.000 tấn so với tháng 12/2024. Dự báo, lượng xuất khẩu trong tháng 02/2025 cũng sẽ đạt khoảng 70.000 tấn.