Thị trường ô tô năm 2025: Duy trì xu thế phát triển ổn định

Sau một năm nhiều biến động, thị trường ô tô trong nước bước vào năm 2025 với những dự báo tích cực về khả năng phát triển ổn định, các trào lưu đã manh nha sẽ tiếp tục được thúc đẩy.

Nhiều mẫu xe ô tô mới được giới thiệu tại Triển lãm ô tô, xe máy 2024. Ảnh: Phạm Khải

Nhiều mẫu xe ô tô mới được giới thiệu tại Triển lãm ô tô, xe máy 2024. Ảnh: Phạm Khải

Điểm sáng là sản xuất và nội địa hóa

Năm 2024, thị trường ô tô trong nước cơ bản duy trì đà phục hồi tích cực. Nhiều doanh nghiệp ô tô lớn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng cho năm 2024, điển hình là Toyota Việt Nam bán ra hơn 68.000 xe, vượt xa mức 59.207 xe của năm 2023.

Về sản phẩm, năm 2024 đã chứng kiến thị hiếu tiêu dùng trong nước ngả về các dòng ô tô giá rẻ và những sản phẩm có tính thực dụng cao, tiết kiệm. Sự xuất hiện của xe điện VF3 đã tạo sự đột phá, khi đưa ra sàn giá mới cho một chiếc ô tô chỉ từ hơn 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, năm 2024 cũng ghi nhận những khó khăn nhất định với thị trường ô tô trong nước khi nhu cầu thấp xuyên suốt nửa đầu năm, tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tồn kho xe trong quý I, II và III ở mức cao, trong khi người dân vẫn cơ bản thắt chặt chi tiêu. Thị trường ô tô trong nước chỉ thể hiện dấu hiệu phục hồi từ tháng 8, nhưng càng về cuối năm áp lực hàng tồn (xe sản xuất năm 2023) càng lớn, khiến các hãng phải gỡ thế khó bằng đẩy mạnh khuyến mãi, kết hợp giới thiệu thêm sản phẩm mới. Giữa bối cảnh như vậy, một lần nữa chính sách giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP đã kích cầu hiệu quả.

Mặc dù tình hình thị trường còn bất ổn, song lĩnh vực sản xuất ô tô năm 2024 lại là điểm sáng, khi chứng kiến các doanh nghiệp liên tục cải thiện năng lực. Sau thành công của tổ hợp Hải Phòng, VinFast tiếp tục khởi công nhà máy ô tô điện thứ hai tại Hà Tĩnh, với tổng vốn 7.300 tỷ đồng. Năm 2024 cũng là thời điểm hãng xe điện số 1 Việt Nam chạm mốc tỷ lệ nội địa hóa hơn 60%, trong đó có thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. Đây là mức nội địa hóa khá cao so với các mẫu xe động cơ đốt trong, hiện trung bình chỉ khoảng 40%.

Một mốc đáng chú ý khác là, cuối tháng 10-2024, liên doanh Hyundai Thành Công bắt đầu xuất khẩu xe SUV Palisade sang Thái Lan. Hoạt động này nằm trong kế hoạch xuất khẩu hơn 4.000 xe “Made in Vietnam” của Hyundai sang các nước trong khu vực giai đoạn 2024-2025. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Palisade ở mức trên 40%, tức đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% trong ASEAN.

Năm 2024 còn đánh dấu nhiều hãng xe nước ngoài thúc đẩy nỗ lực đầu tư sản xuất tại chỗ. Tập đoàn Geely (Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam với TASCO, thông qua cơ sở tại tỉnh Thái Bình (dự kiến sản lượng khoảng 75.000 xe/năm cho giai đoạn đầu). Tới đây, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng tại Quảng Ninh sẽ khánh thành vào quý II-2025, tiếp tục đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Với công suất 120.000 xe mỗi năm, nhà máy này sẽ xuất xưởng đa dạng các thương hiệu ô tô, khởi đầu với Skoda.

Nhiều triển vọng tích cực trong năm mới

Năm 2025, thị trường ô tô trong nước được nhận định duy trì đà phát triển tương đối ổn định. Theo một nhân sự chiến lược cấp cao của Toyota, lượng xe bán ra trong năm nay sẽ tăng từ 8% đến 10%, kể cả ở kịch bản không giảm lệ phí trước bạ.

Tuy nhiên, một chuyên gia của Ford Việt Nam lại cảnh báo, thị trường ô tô trong nước vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, trong đó cần cảnh giác những tác động đến từ bên ngoài như hàng rào thuế quan. Các hãng xe cũng được cảnh báo về áp lực cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là trước sự hiện diện ngày càng dày đặc của các hãng ô tô Trung Quốc và làn sóng xe điện. Lúc này, xe Trung Quốc đã tạo được ấn tượng tương đối tích cực tại Việt Nam nhờ vào giá bán cạnh tranh và công nghệ phong phú.

Các chuyên gia cũng dự báo, các dòng xe “xanh” sẽ tiếp tục khẳng định chỗ đứng trong năm tới, với thị phần xe điện chạy pin (BEV) có thể đạt 20% - là dấu mốc đáng chú ý. Để đạt được mốc này, xe điện cần được “tăng lực”. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng, cải thiện hạ tầng giao thông và mạng lưới trạm sạc sẽ đóng vai trò quan trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - sáng lập cộng đồng OTO + nhận định, dù người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm tới xe điện, việc thúc đẩy quá trình điện hóa vẫn cần chính sách hỗ trợ. Chuyên gia này nhấn mạnh, đây chính là yếu tố tiên quyết cho phép xe điện giữ đà tăng trưởng trong năm 2025, với việc kéo dài thời gian hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe điện là giải pháp đáng cân nhắc.

Với xe hybrid, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng, đặc biệt là khối doanh nghiệp, sẽ có xu hướng lựa chọn các mẫu xe có chi phí sử dụng thấp. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất xe hybrid có cơ hội thúc đẩy doanh số nếu có thể tính toán ra những mức giá tối ưu cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, viễn cảnh sẽ chưa thể tích cực với xe sang. Khi những khó khăn kinh tế còn hiện hữu, khách hàng chưa ưu tiên mua sắm sản phẩm cao cấp. “Nếu muốn chiếm thị phần trong phân khúc này, các hãng phải cân nhắc chặt chẽ dòng xe, cấu hình và giá cả”, ông Nguyễn Mạnh Thắng gợi ý.

Đồng quan điểm này, đại diện một đại lý Mercedes-Benz khu vực phía Nam cho biết, thị trường xe sang có thể phải dành nửa đầu năm để giải quyết tồn kho, trước khi có thể khởi sắc trong nửa sau năm 2025 - giai đoạn bắt đầu tung ra những sản phẩm mới.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-o-to-nam-2025-duy-tri-xu-the-phat-trien-on-dinh-689514.html
Zalo